Đối với trách nhiệm triệu hồi ô tô và thu hồi ô tô thải bỏ, VCCI đề nghị doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (kể cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu) phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật, nếu không sẽ cấm nhập khẩu ô tô.
Cần loại ô tô điệnkhỏi phạm vi điều kiện kinh doanh
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn trả lời công văn số 4421/BCT-CNNg của Bộ Công Thương đề nghị góp ý Dự thảo Nghị đinh về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Cụ thể, VCCI cho biết hiện nay xe ô tô chạy bằng điện đang là xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này để không cản trở cơ hội phát triển loại hình xe này tại Việt Nam.
Theo VCCI, loại hình ô tô điện cần được cân nhắc kỹ về chính sách. Bởi vì, thứ nhất,loại xe này góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Thứ hai, do đây là loại xe mới, nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, mới một số ít sản xuất hàng loạt. Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, do lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới 9 chỗ, các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện.
Không triệu hồi, cấm nhà sản xuất nhập khẩu ô tô
Đối với trách nhiệm triệu hồi ô tô và thu hồi ô tô thải bỏ, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi lại Điều 5 của dự thảo. Thứ nhất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (kể cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu) phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật.
Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể ủy quyền cho doanh nghiệp phân phối, đại lý, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để thực hiện việc triệu hồi.
VCCI lý giải triệu hồi ô tô là nghĩa vụ xử lý các lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của ô tô. Lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn của ô tô phát sinh trong quá trình thiết kế và sản xuất, lắp ráp ô tô, cho đến khi ô tô xuất xưởng.
"Những công đoạn này đều thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất, chứ không phải nhà phân phối. Do đó, trong mọi trường hợp, trách nhiệm triệu hồi luôn thuộc về nhà sản xuất. Trên thực tếtrong nhiều trường hợp, nhà sản xuất có thể thỏa thuận với nhà phân phối để nhà phân phối thay mình đứng ra thực hiện nghĩa vụ triệu hồi sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là quan hệ đại diện trong dân sự, còn trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà sản xuất.
Còn đối với ô tô sản xuất trong nước, trong trường hợp nhà sản xuất không hoàn thành nghĩa vụ triệu hồi thì sẽ chịu những chế tài như thu hồi Giấy chứng nhận kiểu loại theo quy định tại Thông tư 30/2011/TT-BGTVT và Thông tư 54/2014/TT-BGTVT. Đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, trong trường hợp nhà sản xuất nước ngoài không hoàn thành nghĩa vụ triệu hồi thì Việt Nam có quyền ra lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm tương tự từ nhà sản xuất đó", ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Ngoài ra, về vấn đề bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, điều 4 của Nghị định đang quy định nghĩa vụ bảo hành thời hạn tối thiểu 3 năm hoặc 100.000 km, tùy điều kiện nào đến trước. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời hạn bảo hành như vậy tương đối phù hợp với các dòng xe chở người dưới 9 chỗ. Tuy nhiên, đối với các dòng xe buýt, xe tải thì thời hạn này là quá dài so với thực tế thị trường hiện nay.
Thời gian bảo hành của xe buýt, xe tải thông thường chỉ dừng lại ở mức 12-18 tháng. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng phân loại 2 dòng xe và giảm thời gian bảo hành đối với dòng xe tải, xe buýt.
Tuyết Nhung