Có lẽ, chúng ta cần có phong trào để “cứu lấy đàn ông Việt Nam”, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Đàn ông chỉ biết làm…trụ cột
Báo cáo kết quả nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) vừa được công bố tại Hà Nội sáng 7.3.
Nghiên cứu đã khảo sát định lượng và định tính đối với gần 8.500 người cả nam và nữ tại 11 tỉnh, thành phố suốt từ năm 2012 đến 2015.
Kết quả đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì phụ nữ chân yếu tay mềm lại quá “siêu nhân” khi gánh phần lớn công việc trong gia đình, còn đàn ông thì chỉ biết mỗi làm.. trụ cột.
Thậm chí cả việc đồng áng, chăn nuôi cũng do phụ nữ làm là chính. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ tham gia hầu hết các công đoạn sản xuất nông nghiệp: làm đất, gieo cấy, bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, tưới, trông nom, bán thành phẩm và quản lý thu chi.
Nam giới chỉ làm nhiều nhất hai việc là làm đất và phun thuốc trừ sâu. Còn trong chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản, phụ nữ cũng tham gia hầu hết các đầu việc, còn nam giới rất lựa chọn.
Tỷ lệ này tương tự ở nông thôn khi cho rằng 97% nữ và 89,5% nam cho rằng nam giới chỉ làm từ 0-2 việc trong gia đình.
TS. Khuất Thu Hồng. |
Bản báo cáo chỉ ra rằng phụ nữ ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản cả trong sự nghiệp, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Xã hội vẫn mặc nhiên coi rằng việc chăm sóc và hỗ trợ chồng con và các thành viên của hai bên gia đình nội ngoại là trách nhiệm hoàn toàn của người phụ nữ.
“Chị em thường dễ chấp nhận không đi làm hoặc làm các công việc có thu nhập thấp để có thời gian chăm sóc chồng con. Phụ nữ cũng không được khuyến khích học cao hơn chồng để tránh xung đột trong gia đình, thậm chí họ cũng phải âm thầm chịu đựng bạo lực gia đình để duy trì sự êm ấm trong nhà. Thực tế đó đã hạn chế cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội và chính trường”, bà Hồng chia sẻ.
TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ rằng, từ nghiên cứu có thể thấy, đàn ông gây ra nhiều đổ vỡ gia đình, là người gây ra đa số các vụ bạo lực gia đình; không chia sẻ việc nhà với vợ, gây áp lực cho vợ...
Thực ra, nam giới cũng chính là nạn nhân của các định kiến xã hội về gia trưởng khắc sâu, được những người mẹ định kiến giới giáo dục.
Họ còn là nạn nhân và thủ phạm chính của các vụ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nghiện hút,nghiện rượu, bệnh tật hiểm nghèo, đánh nhau... Nếu không có các can thiệp có thể tình hình sẽ ngày càng xấu đi. “Có lẽ, chúng ta cần có phong trào để “cứu lấy đàn ông Việt Nam””, bà Hồng nói.
Vị viện trưởng ISDS cũng nhận định, phát hiện của nghiên cứu này giải thích vì sao những tiến bộ trong bình đẳng giới lại không tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Có một bộ phận đáng kể người Việt Nam dù học vấn cao, sống ở thành phố nhưng vẫn duy trì các quan niệm bất bình đẳng về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới. Họ vẫn coi trọng con trai hơn con gái và cho rằng giá trị cốt lõi của người phụ nữ nằm ở sự hy sinh cho gia đình”.
Bản báo cáo khuyến nghị rằng, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, cần thay đổi những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ, khuyến khích nam giới chia sẻ công việc gia đình, thúc đẩy tính tự chủ của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ mạnh dạn nắm lấy vai trò lãnh đạo cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Theo VietNamNet