An Giang có rất nhiều ngôi chùa với kiến trúc phong phú nhưng độc đáo và nổi bật hơn cả là chùa Hang. Chùa Hang là tên gọi dân gian của chùa Phước Điền (Phước Điền Tự) có lịch sử hơn 100 năm tuổi, là 1 trong 4 Di tích Văn hóa lịch sử của núi Sam, tọa lạc trên triền núi Sam, thuộc địa phận TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Giai thoại cặp mãng xà
Người dân nơi đây gọi là chùa Hang vì ngôi chùa thờ phật trong hang. Đây là chốn thiền môn tĩnh lặng, và chùa Hang còn độc đáo bởi dáng như nằm “lơ lửng” bên vách núi. Tương truyềnbà Lê Thị Thơ (SN 1818) làm nghề thợ may nên thường gọi là bà Thợ. Sau khi gặp cảnh đời ngang trái bà đã từ bỏ cuộc sống đời thường tìm đến núi Sam, vào chùa Tây An xin quy y với pháp danh Diệu Thiện.
Muốn leo lên đến chính điện, du khách phải leo hết 300 bậc thang, với những lối mòn quanh co - Ảnh: Tô Văn
Tu được một thời gian, nhận thấy chùa Tây An đông người lui tới và bị chính quyền bấy giờ theo dõi nên bà đi về hướng tây, gặp cái hang sâu yên tĩnh, vắng người, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am tu hành. Lúc này trong hang sâu có cặp rắn rất lớn, con xanh tên Thanh xà, con trắng tên Bạch xà. Nghe tiếng kinh kệ của bà, 2 con rắn bò lên và sau đó được bà Thợ thuần phục. Từ đó, chúng không còn hại người mà đêm đêm còn đến nằm khoanh tròn sau lưng bà nghe kinh, ăn đồ chay cúng Phật và trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh chốn tu hành.
Phía sau cóhang mãng xàtheo truyền thuyết - Ảnh: Tô Văn
Sau đó ít lâu, người dân sùng đạo địa phương mến mộ công đức của bà nên góp công, góp của xây dựng thành ngôi chùa rộng lớn hơn và từ đó trở thành Phước Điền Tự.
Rất nhiều hang thông với nhau - Ảnh: Tô Văn
Chùa Hang nằm trong quần thể danh thắng tín ngưỡng núi Sam như miếu Bà Chúa Xứ, chùa Phật Thầy Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu… Từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch, nơi đây đông đúc du khách từ mọi miền về hành hương chiêm bái. Từ năm 1980 chùa Hang được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích Lịch sử cấp Quốc gia
Chùa Hang nằm trên triền núi, cách mặt đất khoảng 300 mét. Muốn leo lên đến chính điện, du khách phải leo hết 300 bậc thang, với những lối mòn quanh co. Đường tuy dốc, hơi đứng nhưng rất dễ đi, bởi các bậc thang được xây dựng bằng đá khối lớn. Chùa có 2 khu vực, phần trên là chính điện thờ phật, phía sau cóhang mãng xàtheo truyền thuyết; phần dưới thấp là nơi thờ Tổ, 2 ngôi bảo thápvà nhà khói (nhà nấu ăn - PV).
Một bạn trẻ từ TP.Cần Thơ vào khám phá - Ảnh: Tô Văn
Chùa có mặt chính 11 mét, mặt hông 10 mét, nền cuốn đá xanh cao ráo, tráng xi măng, lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột bê tông cốt sắt, lợp ngói đại ống. Trong chùa có nhiều hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo. Phía trước chùa có cây cột phướng cao hơn 20 mét. Dưới thềm chùa là 2 tượng sư tử bằng xi măng khá sinh động.
Nét độc đáo của ngôi chùa không chỉ ở kiến trúc hoài cổ trầm tư mà còn ở thế đứng - Ảnh: Tô Văn
Đứng ở đây, khách thập phương có thể nhìn cảnh núi cao, hoặc ngắm cảnh ruộng đồng bát ngát... Nét độc đáo của ngôi chùa không chỉ ở kiến trúc hoài cổ trầm tư mà còn ở thế đứng. Chùa được chia thành nhiều tầng dọc theo lối cầu lộ thiên như thể đang “lơ lửng” bên vách núi.
Ba pho tượng được đặt sâu trong vách núi - Ảnh: Tô Văn
Việc mặt tây của núi Sam đã bị khai thác đá nhiều, để lại những vách đá dựng đứng, hiểm trở nên chùa được xây dựng theo vách đá trông giống như bức phù điêu khổng lồ được chạm khắc tỉ mỉ. Dù hiểm trở nhưng trước hoa viên chùa vẫn có hồ hoa súng, sân chiêm bái Bồ Tát, chư Phật, nhiều hành lang chuyển tiếp dẫn qua các ngôi thờ tự…
Khi đứng trước hành lang rộng của chùa phía trước tầm mắt là một khoảng không bao la những đồng ruộng xanh ngát đến ngút ngàn tầm mắt - Ảnh: Tô Văn
Anh Hoàng Việt (40 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết: “Đây là lần đầu tiên gia đình đến đây, chúng tôi như choáng ngợp bởi vẻ sừng sững của kiến trúc chùa Hang. Sau khi tham quan và chiêm bái, chúng tôi nương níu lại đến chiều, ánh hoàng hôn rực rỡ rọi vào làm nao lòng.
Chùa Hang là tên gọi dân gian của chùa Phước Điền (có tên chữ là Phước Điền Tự) - Ảnh: Tô Văn
Khi đứng trước hành lang rộng của chùa phía trước tầm mắt là một khoảng không bao la, những đồng ruộng xanh ngát đến ngút ngàn tầm mắt. Cũng từ vị trí này, nhìn về hướng tây nam là chập chùng những ngọn núi mờ ảo trong sương chiều. Chỉ có thể thốt lên là quá đẹp!”.
Tô Văn