Theo quan niệm của người Nhật, cổng Torii chính là nơi chuyển tiếp giữa vùng đất linh thiêng của thần thánh và thế gian phàm tục của con người.
Nhật Bản có hơn 80.000 ngôi đền Thần Đạo (Shinto), và bạn luôn dễ dàng nhận ra ngôi đền Shinto, nhờ chiếc cổng Torii độc đáo, được xem như một biểu tượng, một dấu hiệu chỉ lối, một nét kiến trúc chỉ có trong Thần Đạo.
Trong tiếng Nhật, Torii đọc theo biểu tự Hán Việt là Điểu Cư – nơi cư trú của loài chim, gắn liền với truyền thuyết về nữ thần mặt trời Amaterasu của Thần đạo.
Truyền thuyết kể rằng nữ thần Amaterasu đã tức giận vì em trai mình là thần bão tố Susanoo-no-Mikoto trong một cơn say đã giết hại gia súc, phá phách mùa màng, kênh mương, hoa màu và giết cả người hầu gái nên đã vùi mình vào hang đá Amanoiwato và lấp kín miệng hang. Điều này khiến cho thế giới rơi vào cảnh tối tăm mất đi mặt trời. Để nữ thần trở lại, người dân đã dùng các cây gỗ bắc thành sào, đặt những con gà trống tốt nhất lên đó để chúng gáy. Khi đàn gà đồng loạt gáy, nữ thần tò mò hé tảng đá ra để nhìn. Một đô vật sumo đã nhanh tay đẩy hòn đá đi, và thần mặt trời buộc phải về chốn cũ.
Chiếc sào trên hai cây cột đó chính là cánh cổng Torii đầu tiên. Từ đó, cánh cổng thần thoại này trở thành biểu tượng của sự sung túc và thịnh vượng, được dựng ở mọi đền thờ trên đất nước Nhật Bản...
Cổng Torri ở Nhật Bản có hơn 20 phong cách và kiểu dáng khác nhau, theo kiến trúc tiêu biểu như Hachiman, Kasuga, Kashima, Ryobu, Myojin, Shinmei… tuy nhiên, về cơ bản gồm có 2 cột, 2 thanh ngang đóng sát nhau trên đỉnh và phía dưới là thanh ngang…. Đeo ngang trên hai cột trụ của Torii là Shimenawa (Chú liên thừng) thường là các sợi thừng làm từ rơm rất khéo léo và tinh tế. Ban đầu Torii được làm từ gỗ, nhưng ngày nay Torii được chế tác từ nhiều chất liệu bền vững như đá, bê tông, sắt, thép vàsơn mài đỏ.
Ở Nhật, những người thành đạt thường quyên tiền xây tặng cổng Torii cho các đền thờ Thần đạo nhằm thể hiện lòng thành kính với thần linh. Vì vậy, một ngôi đền có thể có nhiều cổng.
Torii là lối đi vào những nơi linh thiêng, con đường để có thể viếng thăm thần linh. Do đó, khi đi dưới các cổng Torii, bạn cần phải giữ sạch sẽ như rửa tay thật sạch và ngậm nước trong miệng để thể hiện sự sạch sẽ trước khi đến cầu nguyện trước thần linh.
Cổng Thần đạo Torri là nơi mà bất kỳ du khách nào khi đến Nhật cũng đều muốn đến đây. Trong đó có đền thờ Fushimi-Inari-taisha nơi nổi tiếng với 1.000 chiếc cổng Torii xếp thành một dãy dài; hoặc đền Sueyama tại Saga; Đền thờ Motonosumi Inari tại Yamaguchi; Đền Itsukushima-jinja tại Hiroshima; Đền thờ Ise-jingu - Điện trong Naiku tại Mie.
Tại Việt Nam, biểu tượng cổng trời cũng có ở chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đây cũng là điểm đến của nhiều du khách cũng như các nhiếp ảnh gia.
Minh An (T/H)