Hàng triệu người tiếp tục bị kiệt sức, gặp các vấn đề về nhận thức và các triệu chứng COVID-19 dai dẳng khác sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Di chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến não, phổi, hệ thống miễn dịch và tuần hoàn thế nào?

Sơn Vân | 20/02/2022, 15:31

Hàng triệu người tiếp tục bị kiệt sức, gặp các vấn đề về nhận thức và các triệu chứng COVID-19 dai dẳng khác sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Vẫn chưa được biết nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19). Song nghiên cứu mới đưa ra manh mối, mô tả mức độ bệnh này gây ra cho các cơ quan cơ thể và lý do tại sao chúng ta bị suy nhược đến vậy.

Bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể nằm viện hoặc được điều trị bằng máy thở cho đến khi hết triệu chứng. Tổn thương cơ thể do mắc COVID-19 nghiêm trọng (viêm phổi, oxy thấp, viêm nhiễm) thường xuất hiện trong các xét nghiệm chẩn đoán truyền thống.

COVID-19 kéo dài thì khác: Một căn bệnh mãn tính với nhiều triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng không thể giải thích bằng các xét nghiệm thông thường trong phòng thí nghiệm. Khó khăn trong việc phát hiện COVID-19 kéo dài đã khiến một số bác sĩ bỏ rơi bệnh nhân hoặc chẩn đoán nhầm các triệu chứng của họ là bệnh tâm thần. Thế nhưng, các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về những người bị COVID-19 kéo dài đã phát hiện ra các rối loạn chức năng có thể nhìn thấy khắp cơ thể.

Các nghiên cứu ước tính rằng có lẽ 10% đến 30% những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể bị các triệu chứng dai dẳng. Không rõ lý do tại sao họ bị COVID-19 kéo dài và những người khác thì không, nhưng 4 yếu tố dường như làm tăng nguy cơ là tải lượng vi rút cao trong thời gian nhiễm trùng; sự hiện diện của một số tự kháng thể; sự tái hoạt của vi rút Epstein-Barr; mắc bệnh tiểu đường loại 2.

hau-covid-19-anh-huong-den-nao-phoi-he-mien-dich-va-tuan-hoan-the-nao.jpg
Samantha Lewis, người phụ nữ bị tình trạng hậu COVID-19 ở thành phô Aurora, bang Colorado, Mỹ - Ảnh: NYT

Hệ thống miễn dịch

Những bệnh nhân COVID-19 kéo dài dường như có hệ thống miễn dịch bị gián đoạn so với những ai phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng rối loạn chức năng miễn dịch mãn tính sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ra một chuỗi các triệu chứng khắp cơ thể.

Một khả năng là cơ thể vẫn đang chiến đấu với tàn dư của SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vi rút lây lan rộng trong lần nhiễm ban đầu và vật chất di truyền của vi rút có thể tồn tại trong các mô (ruột, hạch bạch huyết và các nơi khác) nhiều tháng.

Các nghiên cứu đang cố gắng xác định xem liệu các ổ chứa vi rút này có gây ra tình trạng viêm ở các mô xung quanh không, điều này có thể dẫn đến sương mù não, các vấn đề về đường tiêu hóa và triệu chứng khác.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể kích hoạt đáp ứng tự miễn dịch kéo dài và gây tổn hại. Các nghiên cứu đã phát hiện ra lượng tự kháng thể cao đáng ngạc nhiên, tấn công nhầm vào các mô của chính bệnh nhân, nhiều tháng sau lần nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên.

Khả năng thứ ba là nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu gây ra tình trạng viêm mãn tính, có thể bằng cách kích hoạt lại các vi rút khác trong cơ thể bệnh nhân thường không hoạt động. Một nghiên cứu cho thấy việc tái hoạt động của vi rút Epstein-Barr, lây nhiễm cho hầu hết mọi người khi họ còn trẻ, có thể giúp dự đoán liệu chúng ta có mắc COVID-19 kéo dài không.

Bên trong thế giới phức tạp của hệ thống miễn dịch, những giải thích này có thể cùng tồn tại. Cũng giống như những người bị triệu chứng COVID-19 kéo dài khác nhau, họ cũng có thể có các vấn đề miễn dịch khác nhau. Tiến sĩ Akiko Iwasaki, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết việc xác định các vấn đề trọng tâm với bệnh của mỗi người sẽ rất quan trọng trong việc hướng dẫn điều trị.

Ví dụ, một bệnh nhân có tự kháng thể có thể được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, trong khi người có ổ chứa vi rút nên uống thuốc kháng vi rút. "Tùy thuộc vào những gì mỗi người bị, cách điều trị sẽ khá khác nhau", Akiko Iwasaki nói.

Hệ thống tuần hoàn

Nhiều người bị COVID-19 kéo dài phải vật lộn với hoạt động thể chất rất lâu sau lần nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên và tái phát các triệu chứng nếu họ tập thể dục. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy rối loạn chức năng trong hệ thống tuần hoàn có thể làm giảm lưu lượng oxy đến cơ và các mô khác, hạn chế khả năng hiếu khí và gây ra tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng.

Trong một nghiên cứu, những người bị các triệu chứng COVID-19 kéo dài có phản ứng bất ngờ khi đi xe đạp. Dù tim và phổi bình thường, cơ bắp của họ chỉ có thể lấy một phần lượng oxy bình thường từ các mạch máu nhỏ khi đạp xe, làm giảm rõ rệt khả năng vận động.

Một thủ phạm: Viêm mãn tính có thể làm tổn hại các sợi thần kinh giúp kiểm soát tuần hoàn, tình trạng được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi. Các sợi thần kinh bị tổn hại, được thấy trong sinh thiết da, có liên quan đến chứng rối loạn chuyển hóa máu, một trục trặc của các chức năng tự động (chẳng hạn như nhịp tim, thở, tiêu hóa) rất phổ biến ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài.

Tiến sĩ David Systrom, nhà sinh lý học thể dục tại Bệnh viện Brigham and Women (Mỹ) thực hiện nghiên cứu về đạp xe, cho biết những phát hiện này chứng minh rằng những người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài đang bị các vấn đề về thể chất toàn thân thay vì chỉ lo lắng hoặc mất cân bằng.

Các nhà nghiên cứu Nam Phi phát hiện ra một vấn đề tuần hoàn khác là các cục máu đông nhỏ. Các cục máu đông nhỏ hình thành trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu thường sẽ vỡ ra một cách tự nhiên nhưng có thể tồn tại ở những người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài. Những cục máu đông này có thể làm tắc nghẽn các mao mạch nhỏ mang oxy đến các mô khắp cơ thể.

Các thứ gây viêm được gọi là cytokine, thường tăng cao ở những người bị COVID-19 kéo dài, có thể làm tổn thương các ty thể cung cấp năng lượng cho các tế bào của cơ thể, khiến khả năng sử dụng oxy của chúng kém. Thành mạch máu cũng có thể bị viêm, hạn chế việc hấp thụ oxy.

Ty thể là bào quan có mặt trong tất cả tế bào có nhân và đảm nhiệm vai trò quan trọng cung cấp hầu như mọi nguồn năng lượng cần thiết cho hoạt động chức năng và hô hấp của tế bào.

Dù nguyên nhân là gì, nồng độ oxy thấp có thể góp phần gây ra triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 kéo dài là mệt mỏi nghiêm trọng.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu những bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS), có chung nhiều đặc điểm với COVID-19 kéo dài, đã phát hiện ra một mô hình tương tự: Thiếu oxy do các vấn đề tuần hoàn gây ra căng thẳng rất lớn với sự trao đổi chất của cơ thể, khiến các hoạt động đơn giản trở nên giống như bài tập kĩ năng.

Não

Ngay cả những người mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể bị suy giảm nhận thức kéo dài, bao gồm giảm khả năng chú ý, trí nhớ và khả năng tìm từ. Theo Avindra Nath, Giám đốc lâm sàng của Viện Rối loạn thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Mỹ, các vấn đề thần kinh kéo dài có thể COVID-19 gây ra tạo thành “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một loạt các rối loạn chức năng trong não của những người bị COVID-19 kéo dài. Theo các nhà nghiên cứu, bao gồm Avindra Nath, Akiko Iwasaki và Michelle Monje (nhà thần kinh học tại Đại học Stanford), mặc dù chưa rõ mức độ thường xuyên vi rút xâm nhập trực tiếp vào não, nhưng ngay cả những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ cũng có thể gây viêm não đáng kể.

Nhiễm SARS-CoV-2 có thể kích hoạt hoạt động quá mức của các tế bào miễn dịch được gọi là microglia theo cách dường như tương tự như việc có thể tác động đến các vấn đề nhận thức trong quá trình lão hóa và một số bệnh thoái hóa thần kinh.

Một nhóm nghiên cứu khác phát hiện ra rằng COVID-19 kéo dài có thể làm giảm đáng kể lượng oxy đến não, một phát hiện cũng được thấy ở những bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Phổi

Khó thở là một triệu chứng thường xuyên của COVID-19 kéo dài. Thế nhưng, các xét nghiệm phổi thông thường, bao gồm chụp X-quang ngực, chụp CT và xét nghiệm chức năng, thường trông như bình thường.

Sử dụng phương pháp quét MRI chuyên dụng, một nhóm các nhà nghiên cứu Anh đã tìm thấy bằng chứng sơ bộ về tổn thương phổi ở một nhóm nhỏ người mắc COVID-19 kéo dài chưa bao giờ nhập viện. Các bản quét chi tiết về chức năng phổi của họ chỉ ra rằng hầu hết bệnh nhân hấp thụ oxy kém hiệu quả hơn những người khỏe mạnh, ngay cả khi cấu trúc phổi của họ có vẻ bình thường.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sẽ cần một nhóm bệnh nhân lớn hơn để xác nhận các phát hiện này. Nếu kết quả phù hợp thì có thể giải thích cho tình trạng khó thở quan sát được, bao gồm cả sự dày lên của hàng rào không khí – máu điều hòa sự hấp thụ oxy trong phổi.

Bài liên quan
100 triệu người bị tình trạng hậu COVID-19, trẻ em có mắc triệu chứng đáng sợ như người lớn?
Giống người lớn, trẻ em cũng có thể mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19), nhưng rất ít nghiên cứu về tình trạng này ở những người trẻ tuổi. Điều đó phải thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến não, phổi, hệ thống miễn dịch và tuần hoàn thế nào?