Trung Quốc đang cung cấp mũi vắc xin COVID-19 tăng cường sử dụng công nghệ khác với hai liều ban đầu.
Động thái này diễn ra với nỗ lực cải thiện chiến lược tiêm chủng trong bối cảnh lo ngại rằng vắc xin được sử dụng nhiều nhất của họ dường như không hiệu quả với các biến thể như Omicron.
Việc tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng có thể là yếu tố quan trọng để chuẩn bị cho Trung Quốc mở lại biên giới và xoay trục khỏi chiến lược Zero COVID, liên quan đến việc hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt sau hàng chục đợt bùng phát dịch tại địa phương.
Các chuyên gia đang xem liệu việc kết hợp vắc xin COVID-19 của Trung Quốc có dẫn đến hiệu quả cao hơn hay không.
Người lớn được tiêm 2 liều vắc xin Sinopharm hoặc Sinovac trước đó ít nhất 6 tháng có thể nhận mũi tăng cường bằng vắc xin sử dụng các công nghệ khác, được sản xuất bởi CanSino Biologics hoặc một đơn vị của Chongqing Zhifei Biological Products, quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia - Wu Liangyou cho biết hôm 19.2.
Khoảng 1/3 trong số 1,4 tỉ dân Trung Quốc đã nhận mũi tăng cường bằng các vắc xin có cùng công nghệ với 2 liều chính kể từ ngày 7.2.2022.
Dữ liệu cho thấy mũi vắc xin tăng cường cùng hoặc khác công nghệ với đợt tiêm chủng chính có thể cải thiện khả năng miễn dịch, Wu Liangyou nói trong một cuộc họp báo. Ông không so sánh hai cách tiêm.
Một nghiên cứu ở Hồng Kông cho thấy tiêm mũi thứ ba CoronaVac (vắc xin COVID-19 do Sinovac sản xuất) khoảng 2 đến 5 tháng sau liều thứ hai không tạo ra đáp ứng kháng thể trung hòa với Omicron ở hầu hết người nhận.
Đáp ứng kháng thể từ mũi vắc xin CoronaVac tăng cường chống lại Delta cũng yếu hơn so vắc xin CanSinoBIO trong một thử nghiệm lâm sàng.
Được thử nghiệm chống lại Omicron trong một nghiên cứu ở Trung Quốc, mũi vắc xin BBIBP-CorV thứ ba (do Sinopharm sản xuất) tạo ra mức độ kháng thể thấp hơn so với mũi vắc xin tăng cường của Chongqing Zhifei Biological Products ở những người đã nhận hai liều BBIBP-CorV trước đó.
Trong số những người tiếp xúc gần với F0 trong đợt bùng phát dịch Omicron trước đó ở thành phố Thiên Tân và An Dương của Trung Quốc, việc tiêm mũi vắc xin thứ 3 đã giảm tỷ lệ nhiễm đột phá với biến thể này hơn ba lần so với những ai mới nhận 2 liều, Shao Yiming, người thuộc nhóm chuyên gia về công tác phát triển vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, nói tại cuộc họp báo hôm 19.2.
Shao Yiming không cung cấp dữ liệu đầy đủ hoặc chỉ rõ vắc xin loại nào đã được phân tích cho các kết quả này.
Các sản phẩm của Sinopharm và Sinovac được phê duyệt ở Trung Quốc là vắc xin bất hoạt có chứa vi rút SARS-CoV-2 bị bất hoạt hoặc chết.
Vắc xin Chongqing Zhifei Biological Products chứa các phần của protein SARS-CoV-2.
Trong khi vắc xin CanSinoBIO sử dụng một loại vi rút cảm lạnh đã được biến đổi ở người để vận chuyển vật chất di truyền từ protein SARS-CoV-2.