Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thống kê cho thấy hơn 1 tỉ lượt khách quốc tế chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo.

Đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh COVID-19

Lam Thanh | 08/10/2021, 16:40

Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thống kê cho thấy hơn 1 tỉ lượt khách quốc tế chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo.

1 tỉ lượt khách chỉ có 41 trường hợp lây chéo

Tại tọa đàm do báo Giao thông tổ chức ngày 8.10, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không nêu dẫn chứng vụ bệnh nhân số 17 đi từ Anh về và cho biết trên chuyến bay đó cũng có một số bệnh nhân khác, nên chưa có cơ sở đánh giá đó là lây nhiễm chéo cộng đồng.

Cho đến nay mới chỉ nhận được báo cáo có một vụ việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly của Vietnam Airlines của tiếp viên hàng không và vụ việc đã bị xử lý hình sự.

toa-dam.jpg
Các khách mời tại cuộc tọa đàm mở cửa an toàn hàng không

Về một số trường hợp liên quan đến tiếp viên hàng không Việt Nam trên những chuyến bay từ châu Âu, Romania, Nga về, cũng không có cơ sở khẳng định có lây nhiễm của tiếp viên hàng không trên chuyến bay.

Theo thống kê chính thức của ICAO, đến thời điểm cuối tháng 8.2020, có hơn 1 tỉ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, chỉ phát hiện và xác định 41 trường hợp hành khách lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, trường hợp của hai người Anh đi máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhiễm bệnh và lây nhiễm cho nhân viên của Điện Máy Xanh, nhưng hành khách khác và các tiếp viên không bị ảnh hưởng.

“Đó cũng là minh chứng cho thấy an toàn trong đi lại bằng đường hàng không. Chúng ta đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Điều đó cho thấy việc di chuyển bằng đường hàng không cho đến giai đoạn hiện nay là an toàn nhất”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, khi có sự cố xảy ra về lây nhiễm khi di chuyển bằng hàng không, hiện hoàn toàn có điều kiện để nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách là ai, đi chuyến bay nào, ngồi ghế nào, địa chỉ, nơi đến ra sao…

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định việc đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tất cả hãng hàng không đều đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và các quốc gia mà chúng ta bay đến.

Di chuyển đường hàng không là an toàn nhất

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết hãng đã cũng tham gia nhiều chuyến bay giải cứu, các chuyến bay combo thương mại và các chuyến bay vận chuyển vắc xin. Đến giờ, 100% tổ lái và tiếp viên của Bamboo không có ai nhiễm COVID-19, dù các chuyến bay giải cứu khi đó chưa được kiểm soát kỹ, chưa tiêm chủng, chưa xét nghiệm, khi về có khách dương tính.

mb.jpg
Máy bay nằm la liệt tại sân bay do dịch COVID-19

“Gần đây, với các chuyến bay sử dụng hộ chiếu vắc xin, vận chuyển hành khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm trước khi lên tàu bay, 100% hành khách đều âm tính. Như vậy, có thể thấy rằng vận tải hàng không là rất an toàn”, ông Quân nêu.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc hãng ACV cho biết tại các cảng hàng không, các vị trí ngồi, tay nắm, tay cầm trong nhà ga sẽ thường xuyên được phun khử dung dịch nano kháng khuẩn. Nhiều công nghệ đảm bảo an toàn dịch bệnh khác cũng được áp dụng, kể cả việc diệt khuẩn bằng tia UV đối với hành lý của hành khách.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tất cả các hãng hàng không và ACV, sắp tới những vấn đề liên quan giảm thiểu tiếp xúc sẽ được phát triển rất nhanh và thuận tiện cho hành khách.

“Chúng ta đang bị mất số lượng khách rất lớn đó chuyển sang đi các hãng của Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông... Điều đó cho thấy, chúng ta đang bị thua trên chính sân nhà của mình. Nếu không quyết tâm và có lộ trình mở cửa các đường bay sớm, điều này còn kéo dài”, ông Phương nêu.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nêu quan điểm, thời gian qua có chuyến bay có ca nhiễm, nhưng đây không phải là lây nhiễm trên máy bay, bởi lúc đó chúng ta chưa hình dung hết việc lây nhiễm của COVID-19, vì nó quá mới. Lúc đó, rất nhiều khách về từ các nước khác nhau có thể đã lây nhiễm từ nhiều nước.

Cũng theo ông Phu, việc phòng chống COVID-19 chưa bao giờ chặt chẽ như bây giờ. Lây nhiễm có thể xảy ra tại sân bay, qua tiếp xúc, cách ly. Hơn nữa, chúng ta chấp nhận không có “zero COVID” thì không chỉ máy bay có thể có COVID-19, mà ô tô, tàu hỏa cũng có, và cộng đồng cũng có thể lây.

“Vấn đề đặt ra là chúng ta cần chú trọng khai báo y tế, nếu phát hiện ca nhiễm thì truy vết, xét nghiệm. Chúng ta phải chấp nhận kiểm soát, nếu có lây trên máy bay, chúng ta có hàng rào kiểm soát được để những người đi trên chuyến bay an toàn. Kể cả nhiễm COVID-19, những người tiêm vắc xin rồi cũng không bị nặng, không sợ”, ông Phu nói.

Đóng cửa thì dễ, nhưng gây khó khăn cho cả nước

Ông Võ Huy Cường nói thêm, an toàn di chuyển bằng đường hàng không không chỉ là an toàn trước dịch bệnh, mà là an toàn thực sự cho việc đi lại.

“Chúng tôi khẳng định, toàn ngành hàng không đang căng mình trong bão dịch COVID-19. Khó khăn về tài chính nhưng không buông lỏng an toàn về dịch bệnh, an toàn về khai thác, và đảm bảo an ninh hàng không”, ông Cường nói.

mb-2.jpg
Khách di chuyển trên máy bay được trang bị đồ bảo hộ

Theo đại diện Cục Hàng không, để khởi động lại các đường bay nội địa cần có sự ủng hộ, quyết đoán của lãnh đạo các địa phương. Các địa phương không thể là một đất nước, một quốc gia tự cung tự cấp toàn bộ, thoát ly với liên kết vùng của các tỉnh lân cận, của quốc gia lân cận.

Việc kết nối lại GTVT nói chung và hàng không nói riêng cần làm ngay. Bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ để thí điểm rồi mở rộng ra. Quá trình đó, ở đâu khó khăn cần xem xét để điều chỉnh. Ở đâu có biện pháp tăng cường hạn chế dịch bệnh thì phải làm.

“Đóng cửa rất dễ, nhưng việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho cả địa phương, sân bay và kinh tế chung của đất nước”, ông Cường nói.

Ông Trịnh Hồng Quang cho hay trong bối cảnh phải ưu tiên phòng chống dịch cũng như phục hồi và phát triển kinh tế, hàng không đã đến lúc cần hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hoạt động trở lại như thế nào phải có sự nhất trí của tất cả địa phương, không phải chỉ là sân bay và các hãng hàng không.

“Chúng ta mở cửa thì phải hoàn toàn, đồng đều, khách không thể bay xuống Nội Bài chỉ để đi về các địa phương khác được cho phép, bởi làm như vậy chúng ta quản lý như thế nào? Khách có chấp nhận chuyện đó không? Chúng ta mở như vậy, sẽ phát sinh rào cản đi từ Hà Nội về các tỉnh thì giấy phép như thế nào, ai là người kiểm soát cái đó?”, ông Quang nói.

Ông Quang nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là vấn đề này phải rất rõ ràng, mở cửa cho tất cả hành khách muốn đi, không phải khách chỉ đi đến những địa phương cho phép. Đây là câu hỏi mà trả lời chỉ có đúng hoặc sai, chứ không phải tỉnh này nói thế này, Bộ GTVT nói như thế kia. Ở đây, Chính phủ cần giải quyết vấn đề này”.

Bài liên quan
Khách hàng không muốn lấy hóa đơn điện tử, hay cây xăng ngại xuất?
Lý do người dân không muốn lấy hay cây xăng ngại xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán đang được đưa ra bàn thảo trước những chỉ đạo "nóng" của Thủ tướng, Bộ Công Thương về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
2 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi lại bằng đường hàng không là an toàn nhất trong bối cảnh COVID-19