Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có.

Dịch bệnh khó khăn chưa từng có, những gói hỗ trợ phải lớn chưa từng có

Lam Thanh | 31/07/2021, 16:25

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có.

Kinh tế vẫn có những điểm sáng

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021” do Bizlive tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm vẫn có một số điểm sáng.

Ví dụ như lạm phát vẫn được kiềm chế tốt so với trước, 6 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ. Theo đà này, lạm phát bình quân sẽ ở mức khoảng 3%; tính 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 26%, nhập khẩu tăng 35%; tỷ giá rất ổn định, lãi suất đang trên đà giảm tương đối tích cực…

Tuy nhiên Việt Nam vẫn đương đầu với nhiều thách thức như dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến. Một kịch bản cơ sở là may ra trong tháng 8 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Theo ông Lực, lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng vô cùng tiêu cực. Tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước, giảm gần 20% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ; mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang gặp rất nhiều trục trặc và trở ngại.

"Về vốn FDI, chúng ta hy vọng về dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng vốn FDI 7 tháng của chúng ta đăng ký giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn thực hiện tăng gần 4%", ông Lực nói.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công chậm rất rõ rệt. Số lượng doanh nghiệp mới tháng 7 chỉ tăng 0,7%, còn số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động rất đáng chú ý; tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế rất chậm chạp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên.

san-xuat-2.jpg
Sản xuất công nghiệp tăng chậm

Do đó, ông Lực cho rằng cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin COVID-19. Nghị quyết 52 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, ngoài ra cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới.

Ngoài ra, cần phải lưu ý đến bong bóng. Các hiện tượng nóng gần đây liên quan đến bất động sản, chứng khoán và vẫn theo dõi các động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất.

DN liên tục gặp khó khăn

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.

“Có thể dùng một từ để mô tả về lực lượng chống dịch đó là “quá tải”. Chính quyền phải căng mình chống dịch, nhiều cán bộ, lãnh đạo nhà nước cấp cơ sở thời gian ngủ chỉ 3-4 tiếng/ngày. Doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch”, ông Tuấn nói.

Khảo sát của VCCI cho thấy, 87% doanh nghiệp cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến. Con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động thực tế chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại.

VCCI nhận thấy, gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hàng hóa,…

“Doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ không chỉ phải duy trì sản xuất, cái quan trọng nhất với họ là khách hàng. Tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp”, ông Tuấn nêu.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lạc quan với triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đã sẵn sàng khi ký hàng loạt FTA trong thời gian vừa qua.

dau-anh-tuan.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI)

Ngoài ra, dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin và đã đi bước rất dài trong chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng có đặc điểm là nhiều doanh nghiệp nhỏ và trẻ nên sẽ áp dụng chuyển đổi số nhanh hơn.

Cũng theo ông Tuấn, bối cảnh dịch bệnh khiến doanh nghiệp Việt Nam có cách nhìn khác trong việc quản trị. Trong giai đoạn tiếp theo, có thể xuất hiện những rủi ro khác như thiên tai hay biến đổi khí hậu thì việc tăng cường quản trị sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Dịch bệnh chưa từng có phải có gói hỗ trợ chưa từng có

Về những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp hàng không, dịch vụ trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng Chính phủ cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Với lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại như hàng không, du lịch, tất cả đều rất khó khăn từ doanh nghiệp nhà nước như VietnamAirlines đến các doanh nghiệp hàng không tư nhân.

Các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý 3, quý 4 mà chưa tính tới làn sóng bùng phát COVID-19 lần thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường.

Theo chuyên gia này, dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến.

Song song với đó, các vấn đề như “hộ chiếu vắc xin” cần được thúc đẩy để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh, bộ máy hành chính không thể hoạt động trơn tru như điều kiện thông thường nhưng mong rằng những trục trặc, khó khăn sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhất.

“Những ứng xử của Chính phủ, địa phương trong thời gian tới đối với doanh nghiệp hy vọng sẽ như “những liều vắc xin” bởi các doanh nghiệp cũng đang rất cần những liều vắc xin kịp thời”, ông Tuấn ví von.

san-xuat.jpg
Cần gói hỗ trợ lớn chưa từng có

Cũng theo ông Tuấn, chiến lược tiêm chủng vắc xin trong thời gian tới nhanh hay chậm, bình đẳng hay không cũng là những vấn đề cần lưu ý. Các doanh nghiệp tư nhân có vẻ hơi “chạnh lòng” so với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vắc xin. Đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Đối với Chính phủ, cần nhất trong thời gian tới là chính sách hỗ trợ cụ thể. Ví dụ đang nói những gói lớn, doanh nghiệp hiện đang đương đầu với cả rừng chi phí. Doanh nghiệp vừa vận hành kinh doanh, lo bao nhiêu chi phí, nếu nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chống dịch, như vậy chính sách sẽ đến ngay được với doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch bệnh khó khăn chưa từng có, những gói hỗ trợ phải lớn chưa từng có