Cá bè và trái chanh ở Tiền Giang đang vào vụ thu hoạch nhưng lại tắc đầu ra do không tìm được đường ra thị trường khiến bà con nông dân lo lắng.

Tiền Giang: Cá bè và trái chanh đang tắc đầu ra

Mỹ Tho - VKK | 30/07/2021, 16:06

Cá bè và trái chanh ở Tiền Giang đang vào vụ thu hoạch nhưng lại tắc đầu ra do không tìm được đường ra thị trường khiến bà con nông dân lo lắng.

Do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thương lái ngưng thu mua cá bè, trong khi cá bè đã tới giai đoạn thu hoạch. Nguồn vốn đầu tư lớn chưa được thu hồi làm cho người nuôi cá bè điêu đứng. Chanh cũng vào vụ chín rộ, năng suất cao nhưng giá thấp. 

ca-dieu-hong-my-tho.jpg
Cá điêu hồng nuôi lồng bè ở cồn Thới Sơn - Ảnh: Mỹ Tho

Hiện nay, nhiều lồng bè cá nuôi trên sông Tiền của ngư dân tỉnh Tiền Giang đã đến giai đoạn phải thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều thương lái chuyên thu mua cá bè tạm ngưng hoạt động do các chợ đầu mối ở TP.HCM và các cảng cá, chợ cá, chợ truyền thống trong tỉnh bị đóng cửa. Trước đó, giá cá điêu hồng thu mua tại bè khoảng 35.000 - 39.000 đồng/kg, nay kêu dưới 30.000 đồng/kg mà không ai mua.

Việc tồn đọng cá bè chưa thể bán gây khó khăn cho người nuôi, nhất là nợ vay của ngân hàng đến thời điểm phải hoàn vốn đóng lãi. Ngoài ra, giá thức ăn cao làm chi phí đầu tư tăng, và việc kéo dài thời gian thu hoạch khiến tăng tỷ lệ cá hao hụt. Cá khi quá lứa cũng rất khó tiêu thụ sau này. Chỉ riêng tại 2 cồn Tân Long và Thới Sơn, TP.Mỹ Tho hiện ước tính có hàng trăm tấn cá bè bị tồn đọng, ngư dân đang rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hồng, người nuôi cá bè ở cồn Thới Sơn cho biết: “Hiện nay tôi đang vay ngân hàng tiền nuôi cá, tiền vay và lãi tới kỳ đóng rồi, nuôi 2 bè cá điêu hồng mà bán không được. Không có thương lái ăn hàng. Hàng hóa bán không được, dân đề nghị ngân hàng hỗ trợ, cho ngư dân gia hạn thêm 3 tháng nữa để bán cá rồi trả. Bây giờ bán đâu có được đâu, tiền đâu mà trả, nếu vay tiền ngoài tới hơn 10%, khổ quá”.

nhung-nguoi-lam-thue-di-hai-chanh-my-tho.jpg
Thu hoạch chanh - Ảnh: Mỹ Tho

Mấy ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Rô ở ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, H.Cái Bè cũng như nhiều nhà vườn khác ở địa phương này đang buồn lo vì vườn chanh đã tới lứa thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua. Ông Rô than: “Bây giờ chanh chín rộ nhiều lắm, tới thời điểm thu hoạch, không có thương lái thu mua. Không hái trái thì nó sẽ chín rụng, nhưng vậy thì suy cây. Hiện nay những người trồng chanh rất khó khan, giá bán có 1.000 - 2.000 đồng/kg, trước đây giá từ 7.000 tới 10.000 đồng. Nay chủ yếu mong giải thoát trái chanh để bù công hái, vận chuyển ra cho người ta, yêu cầu vậy thôi chứ không tính lời hay lỗ vì nữa”.

Ông Phùng Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Đông cho biết: “Trái chanh tại địa phương đang bị bế tắc đầu ra. Từ khi TP.HCM và các địa phương khu vực phía nam thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch thì việc tiêu thụ trái chanh của tỉnh Tiền Giang bị bế tắc. Nhiều thương lái ngoài tỉnh gặp khó khăn khi đưa phương tiện đến vùng nguyên liệu thu mua chanh. Một số doanh nghiệp chế biến mặt hàng trái chanh ngưng hoạt động làm cho hàng trăm tấn chanh đến kỳ thu hoạch rất khó giải quyết”. Một vài nhà vườn chỉ bán được số lượng ít do các nhà hảo tâm mua tặng người dân vùng dịch nhưng giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (tính cả chi phí thu hoạch và chuyển lên xe). Mức giá này thì chỉ đủ chi phí thu hoạch. Theo nông dân, giá chanh phải trên 5.000 đồng/kg thì mới có lãi.

Một cán bộ Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, do thị trường TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, nguồn cung ứng và tiêu thụ khó khăn nên có tình trạng dội chợ mặt hàng nông sản, thủy sản..., ước tính hàng trăm tấn. Tỉnh đang nắm lại và kết nối với Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh để tiêu thụ những mặt hàng nông sản, thủy sản đang gặp khó, giải quyết nhu cầu cần thiết của người dân vùng dịch, đồng thời giảm bớt khó khăn cho nhà vườn và người nuôi thủy sản lồng bè.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Cá bè và trái chanh đang tắc đầu ra