Theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Việt Nam là một trong những quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh trong khu vực.
Tác động tích cực đến nền kinh tế
Nghiên cứu của NCIF cho thấy, sự phát triển của tầng lớp trung lưu có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tất yếu không chỉ kéo theo cầu tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ trên nhiều phương diện, mà còn cho thấy mức tiết kiệm của tầng lớp này cũng ngày càng tăng.
Điều này không chỉ góp phần quan trọng phản ánh đầu ra và đầu vào của nền kinh tế được thông suốt hơn, mà còn phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng được cải thiện hơn.
Theo đó, nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu bởi sức mạnh nội vi của nền kinh tế; hạn chế tối đa được những tác động tiêu cực ngoại vi, nhất là những biến động, suy thoái tiềm ẩn từ các thị trường xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Dưới góc độ tiêu dùng, NICF cho hay chi tiêu của cá nhân hay của hộ gia đình là một thành tố quan trọng cấu thành GDP. Như vậy, khi tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh và quy mô ngày càng được mở rộng, mức chi tiêu của họ sẽ ngày một nhiều hơn. Điều này kéo theo sự gia tăng tổng mức chi tiêu trong toàn xã hội và kết quả là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Số liệu nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, chi cho tiêu dùng của hộ gia đình trong giai đoạn 2014-2018 và dự báo đến 2021 đóng vai trò ngày một quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì nó chiếm tỷ trọng cao nhất so với các yếu tố cơ bản có đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Góp phần xóa đói giảm nghèo
Cũng theo NCIF, tác động của tầng lớp trung lưu đến xóa đói, giảm nghèo được thể hiện rõ nét khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nó phản ánh tình trạng đói nghèo ở nước ta ngày càng giảm.
Điều này được lý giải là tầng lớp trung lưu là “bến vươn tới” và là “điểm tựa”, “bệ đỡ” cho các tầng lớp có mức sống thấp hơn, tạo dịch chuyển xã hội sang nấc thang phát triển mới cao hơn. Theo xu hướng phát triển, tầng lớp trung lưu với mức chi tiêu tối thiểu trên 15 USD/ngày/người là kỳ vọng, đích đến của các tầng lớp có mức sống thấp hơn.
Sự phát triển của tầng lớp trung lưu còn thể hiện ở vai trò là lực lượng đi tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ thiết thực cho tầng lớp nghèo và dễ bị tổn thương cải thiện mức sống.
Tại Việt Nam, số liệu của WB cho thấy, đến năm 2016, 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, hơn 13% dân số thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Trong khi đó, số người dễ bị tổn thương về kinh tế cũng đã giảm từ 32% năm 2010 xuống còn 21,1% năm 2016.
“Xét chung cho cả 2 nhóm là nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế và nhóm nghèo đói cũng cho thấy đã giảm nhanh trong giai đoạn 2010-2016, từ khoảng 50% dân số năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2016.
Điều này cho thấy, các hộ gia đình không chỉ đang nỗ lực thoát nghèo, mà họ còn có thể nhanh chóng thoát ra khỏi nhóm dễ bị tổn thương về kinh tế để chuyển sang các nhóm cao hơn. Đây là những thành tựu đã đạt được và nó trở thành xu hướng dường như bền vững hơn bởi sự tiếp tục gia tăng nhanh chóng số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam”, NCIF nêu.
Tầng lớp trung lưu gia tăng cũng kéo theo sự chuyển dịch việc làm từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác có năng suất cao hơn với mức thu nhập cao hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp vào thành tựu xóa đói, giảm nghèo quốc gia. Đây chính là vai trò “điểm tựa”, “bệ đỡ” của tầng lớp này đối với tầng lớp có mức sống thấp hơn trong xã hội.
Trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt được những thành tựu xóa đói, giảm nghèo rất đáng khích lệ. Dự báo, những thành tựu giảm nghèo của nước sẽ tiếp tục đạt được trên nhiều phương diện hơn trong thời gian tới, trong đó có đóng góp không nhỏ của TLTL.
Tác động đến chất lượng và năng suất lao động
Thu nhập tăng chính là nhân tố tổng hợp phản ánh chất lượng và NSLĐ được cải thiện. Đa số những người thuộc tầng lớp trung lưu đều có trình độ, kỹ năng, tay nghề và có việc làm, nghề nghiệp ổn định, nên sự gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu sẽ kéo theo sự cải thiện về chất lượng cũng như NSLĐ toàn xã hội.
Trong giai đoạn 2010-2017, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo trên phạm vi cả nước nói chung, cũng như tại cả 2 khu vực thành thị và nông thôn nói riêng đều có xu hướng gia tăng.
Minh chứng cho điều này, có thể thấy, kể từ năm 2014, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng được cho là bước vào giai đoạn ngày càng gia tăng nhanh nên tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tất yếu cũng có tốc độ tăng nhanh, cụ thể là từ 19,6% năm 2014 đã tăng lên 23,1% năm 2017.
Như vậy, có thể thấy, sự gia tăng số lượng lao động đã qua đào tạo cũng có mối quan hệ hữu cơ, cùng chiều với sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Đây chính là một tiêu chí quan trọng cho thấy chất lượng và NSLĐ cũng được cải thiện đáng kể theo thời gian.
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo tăng lên hàng năm cũng hàm ý bao gồm cả việc được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết, nhất là các kỹ năng liên quan tới thực hành nghề, qua đó tạo thành động lực trực tiếp thúc đẩy việc cải thiện NSLĐ.
Trênphương diện phát triển bền vững, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh sẽ càng biểu hiện hoặc tiếp sức mạnh hơn cho trục phát triển nguồn nhân lực nói chung nhanh hơn, cho việc tăng tốc trong cải thiện NSLĐ nói riêng một cách bền vững hơn.
Trung tâm này đánh giá tầng lớp trung lưu cũng là những người hiểu rõ vai trò của giáo dục và đào tạo đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mình và các thế hệ tương lai, nên sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo con cái họ.
Với xu hướng này, sự phát triển của tầng lớp trung lưu cũng gián tiếp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng và NSLĐ bền vững toàn xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc nâng cao chất lượng và NSLĐ là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thời gian qua, chất lượng và NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể cũng phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của tầng lớp trung lưu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines là 5 quốc gia có tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ nhất trong khu vực, nhờ những bước tiến lớn đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2011-2019, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, từ 7,8% dân số năm 2011 - tương đương hơn 6,8 triệu người lên 20,2% năm 2019 – tương đương 19,5 triệu người.
Tuy nhiên, sang năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu bị đứt gãy hoặc bị thu hẹp. Do đó, quy mô tầng lớp trung lưu năm 2020 có thể bằng hoặc ít hơn năm 2019 nhưng không đáng kể, bởi tầng lớp này có sự chống đỡ khá tốt khi nền kinh tế khó khăn trong ngắn hạn.