Bí thư Hà Nội cho biết, sự khác biệt ở đợt bùng phát thứ tư là dịch COVID-19 đã tấn công vào những "thành trì" quan trọng là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp
Trao đổi với báo chí ngày 16.5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đến nay, toàn thành phố đã có 200 ca COVID-19, trong đó hơn một nửa xuất phát từ 2 bệnh viện lớn của Trung ương.
Theo Bí thư Hà Nội, sự khác biệt ở đợt bùng phát thứ tư là dịch COVID-19 đã tấn công vào những “thành trì” quan trọng là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp. Tại Hà Nội, hai cơ sở y tế lớn là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cơ sở 2 tại huyện Đông Anh và Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, tại huyện Thanh Trì, đã buộc phải phong tỏa, cách ly.
Dịch COVID-19 còn tấn công, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của một số cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn như Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô... Các ca dương tính cũng đã được phát hiện tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Nguy cơ lây lan ở các khu, cụm công nghiệp đang rất cao.
Trước tình hình cấp bách, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải tập trung ưu tiên giữ vững “thành trì” chống dịch là các bệnh viện, cơ sở y tế. Đồng thời không để dịch xâm nhập, lây lan trong các khu, cụm công nghiệp - những “thành trì” của chuỗi sản xuất và phát triển kinh tế, là cơ sở để duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với ngành Y tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, phải thực hiện nghiêm các quy trình và các nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng dịch, tuyệt đối không để vì một chút lơ là, chủ quan mà “lọt lưới” người có nguy cơ cao vào trong bệnh viện hoặc từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng.
Lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế phải thực sự là "tư lệnh" trong cuộc chiến chống dịch. Bí thư cho biết, vừa qua, Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc vì chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong việc tiếp nhận, từ chối tiếp nhận khám, chữa bệnh đối với người đi về từ vùng dịch mà thành phố buộc phải tạm đình chỉ hoạt động.
"Đây là bài học chung để mọi cơ sở y tế trên địa bàn dù là công lập hay tư nhân đều phải xác định rõ trách nhiệm và lương tâm trong tham gia phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, không được vì lợi riêng mà quên lợi ích chung của cộng đồng", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Mỗi bệnh viện, cơ sở y tế đều phải có phương án sẵn sàng và quy trình tiếp nhận an toàn đối với người bệnh có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19, cũng như quy trình vận chuyển, chăm sóc người bệnh có biểu hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo, ngành Y tế tiếp tục bám sát tiến độ giải quyết của Bộ Y tế đối với đề xuất mua vắc xin của thành phố. Trước mắt tập trung hoàn thành ngay việc xét nghiệm, sàng lọc người trở về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết các ca bệnh, không để lây lan ra cộng đồng...
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, thành phố phải phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để mỗi khu, cụm công nghiệp và mỗi cơ sở sản xuất đều trở thành một "pháo đài" chống dịch, phải có kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Lãnh đạo TP Hà Nội gợi ý có thể chia nhỏ, tách riêng hoạt động của từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất, từng nhà máy với nhau để không may phát hiện ca nhiễm ở phân xưởng, tổ, đội này, nhà máy này thì chỉ phải phong toả, cách ly ở 1-2 nơi thay vì cả nhà máy, cả khu, cụm công nghiệp.
"Lực lượng chức năng của thành phố, nhất là nơi có khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phải tiếp cận, làm việc cụ thể với ban quản lý, chủ doanh nghiệp ngay để bảo đảm các biện pháp này được thực hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất bò mới lo làm chuồng, phải chủ động đi trước, làm trước, có biện pháp trước", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.