Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại” là chủ đề của Ngày dân số thế giới năm nay (11.7.2020). Nghiên cứu của Quỹ dân số liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy nếu dịch bệnh COVID-19 này kéo dài thêm 6 tháng nữa, thế giới sẽ có khoảng 7 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới…
10% dân số thế giới mắc bệnh suy thận mạn tính
Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918: Vi rút lây nhiễm gần 1/3 dân số thế giới
1/4 dân số thế giới nhiễm lao
Các nhà khoa học giành được niềm tin của phần đông dân số thế giới
Theo Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hậu quả mà mỗi người phải hứng chịu là khác nhau.
Phân tích của Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình cho thấy phụ nữ là đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 này. Hiện nay phụ nữ chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước vi rút SARS-CoV-2 cao hơn.
Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm đến và gây gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
“Kết quả nghiên cứu mới đây của UNFPA cho thấy, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp, trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Điều này sẽ khiến khoảng 7 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới.
Ngoài ra, sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA tại cấp cơ sở có thể dẫn tới 2 triệu phụ nữ cắt bỏ bộ phân sinh dục và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020-2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được”, đại diện Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình chia sẻ.
Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với phụ nữ không chỉ về mặt sức khỏe, sinh sản… mà còn khiến cho tỷ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn, chịu ảnh hưởng về kinh tế nặng nề hơn.
Theo Quỹ dân số liên hợp quốc, dịch bệnh COVID-19 đang khiến gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn. Lệnh đóng cửa trường học cùng với nhu cầu gia tăng của người cao tuổi đã khiến cho khối lượng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ cũng tăng theo.
Đặc biệt, đại dịch tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau của chúng ta.
Qua đó, Quỹ dân số liên hợp quốc đã đưa ra 11 nội dung thông điệp tuyên truyền trong chủ đề của ngày dân số thế giới năm nay (11.7) gồm: nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái; kế hoạch hóa gia đình - chìa khóa thành công của chương trình dân số Việt Nam; hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn; không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản vì chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình; không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, hạnh phúc và tương lai của bạn; sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng sẽ cho bạn cuộc sống khỏe mạnh; chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống Việt; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân vì tương lai hạnh phúc của mỗi gia đình và đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước.
Quỹ dân số liên hợp quốc cũng khuyến cáo nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhấn mạnh đến các cách thức để bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được, đảm bảo nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia, và tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 .
Hồ Quang