Diễn biến dịch COVID-19 hiện nay tại TP.HCM được đánh giá tương tự thời kỳ đầu thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (ngày 19.6), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay.
Sau khi đánh giá tạm cấp độ dịch nguy cơ trung bình và trong vòng kiểm soát, từ ngày 1.10, TP.HCM thực hiện bình thường mới theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM và từng bước nới lỏng giãn cách.
Sau 1.10, F0 gia tăng ra sao?
Từ sau ngày 1.10 đến nửa cuối tháng 10.2021, số ca mắc mới, tử vong giảm liên tục và giảm sâu. Kỳ vọng F0 sẽ có xu hướng giảm sâu sau ngày 1.10, nhưng những ngày vừa qua có xu hướng gia tăng dần. Số ca nhập viện tầng 2, 3 có tăng nhưng chưa đáng kể, còn F0 cách ly tại nhà phát hiện qua test nhanh tăng cao. Đáng chú ý, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện (ngày 14.11 có 1.126 ca nhập viện, 747 ca xuất viện)…
Qua thống kê bằng công nghệ giám sát, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát hiện số ca mắc mới qua test nhanh tại H.Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Q.12 và TP.Thủ Đức… có xu hướng tăng, tập trung tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ, ổ dịch gia đình. Kiểm tra thực tế tại các địa bàn, số ca còn tăng cao hơn nhiều, do các địa phương chưa kịp báo cáo vào phần mềm, cũng như chưa kịp thời phát túi thuốc A, B, C (túi thuốc C có thuốc Molnupiravir kháng vi rút) cho F0 tại nhà.
Đánh giá về tổng thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định tình hình F0 hiện nay tại TP.HCM tương tự thời kỳ đầu thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (ngày 19.6), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay. Nhiều nước dù có nền tảng y tế, độ bao phủ vắc xin cao, nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát.
Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng F0 gia tăng được xác định là TP.HCM không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát. Thống kê cho thấy nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển về các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát…
Ông Nên nhìn nhận nếu để tình trạng F0 gia tăng, tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới là không ổn và chỉ đạo mỗi địa bàn phải triển khai biện pháp kéo giảm ở mức thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh.
Đánh chặn từ xa
Một tuần qua, 10 đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM do lãnh đạo sở này phụ trách liên tục đi kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại các địa bàn có số ca mắc tăng cao như Q.12, Q.Gò Vấp, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, TP.Thủ Đức…
Trước lo ngại số F0 cộng đồng gia tăng, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai đồng loạt các giải pháp để phòng chặn và phát hiện F0 chuyển nặng, tử vong. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết khi phát hiện ra F0 thì đảm bảo cách ly trong nhà không lây cho người khác; người nào có nguy cơ chuyển nặng hoặc không đảm bảo cách ly tại nhà thì cách ly tập trung để theo dõi sát. “Khi chưa có vắc xin thì khả năng bệnh nặng lên tới 30% trên số ca nhiễm và có một số diễn tiến nặng, tử vong. Hy vọng rằng khi tiêm vắc xin, tỷ lệ nặng giảm xuống 5 - 10% và tử vong giảm đáng kể”, ông Châu nói.
Trong khi đó, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM đang thực hiện chiến lược đánh chặn từ xa. Đó là tham gia chống dịch tại nhiều tỉnh, cụ thể là TP.HCM đã cử nhiều đội chi viện về chuyên môn, tiêm vắc xin, xét nghiệm cho các tỉnh ĐBSCL. Còn đối với TP.HCM, chiến lược đánh chặn từ xa bên cạnh việc giám sát phát hiện sớm F0 để cắt đứt nguồn lây, còn chăm sóc F0 sớm, tránh chuyển nặng, giảm tử vong.
Thay bệnh viện dã chiến TP bằng bệnh viện dã chiến quận, huyện
Theo Sở Y tế, khi TP.HCM qua giai đoạn cao điểm dịch bệnh phức tạp, từ đầu tháng 10.2021, các bệnh viện dã chiến cấp thành phố dần được giải thể. Thay vào đó, mỗi quận, huyện thành lập ít nhất 1 bệnh viện dã chiến từ 300 - 500 giường, trong đó có từ 30 - 50 giường ô xy để sẵn sàng tiếp nhận người dân trên địa bàn có triệu chứng nhẹ.
Để chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế cùng Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ nhân lực giúp F0 cách ly tại nhà. Đây là nhiệm vụ ưu tiên mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP.Thủ Đức và ngành y tế phải đảm trách. Mỗi trạm y tế lưu động bố trí tối thiểu 3 chiến sĩ để hỗ trợ công tác cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, vận chuyển người bệnh...
Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các trạm y tế lưu động hiện hành tăng cường theo dõi F0, nhập dữ liệu F0 cách ly tại nhà vào phần mềm quản lý, đồng thời cấp ngay gói thuốc A, B, C (nếu đủ điều kiện uống gói C) trong vòng 24 giờ.
Thành lập các đội đặc nhiệm
Để hỗ trợ thêm cho các quận, huyện đảm bảo hiệu quả chống dịch khi số ca F0 tăng và khống chế ổ dịch một cách nhanh nhất, HCDC thành lập các đội đặc nhiệm kiểm dịch.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết các đội đặc nhiệm kiểm dịch có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn các trung tâm y tế quận, huyện thực hiện giám sát, triển khai phương án, giải pháp trong xử lý kiểm soát dịch tại cộng đồng, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất. Song song đó là nhận định, đánh giá mức độ nguy cơ, đánh giá tình hình dịch bệnh và tùy vào mức độ sẽ triển khai hành động cụ thể. Hằng ngày, các đội đặc nhiệm kiểm dịch có phân tích tình hình và báo cáo về HCDC, Sở Y tế để giúp có nhận định sớm nhất và có can thiệp hỗ trợ sớm nhất đối với công tác phòng chống dịch ở quận, huyện.
“Để phối hợp cùng Đội đặc nhiệm kiểm dịch, mỗi trung tâm y tế cử 4 cán bộ chuyên trách về kiểm dịch và 1 cán bộ phân tích dữ liệu; mỗi trạm y tế có ít nhất 2 chuyên trách chống dịch và 1 cán bộ quản lý dữ liệu để có hệ thống đầy đủ, toàn diện từ TP xuống quận, huyện, phường, xã nhằm tổ chức hiệu quả công tác kiểm dịch”, bác sĩ Nga nói.
Sở Y tế TP.HCM và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM cũng vừa kích hoạt lại mạng lưới “thầy thuốc đồng hành” nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho F0. Theo đó, khi cần tư vấn và hỗ trợ của “thầy thuốc đồng hành”, F0 hoặc người thân hãy gọi tổng đài 1022, bấm phím số 4.
Bảo vệ nhóm người nguy cơ cao
Theo bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Hóc Môn, từ ngày 1.10 - 6.11, BV có 58 ca tử vong. Số tử vong có bệnh nền do tăng huyết áp chiếm 33 ca, tiểu đường 20 ca, tim mạch
8 ca… Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc điều hành BV Bệnh Nhiệt đới, tuần qua tại BV có 7 ca COVID-19 tử vong và hầu hết đều mắc bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), ngoài việc cấp phát sớm thuốc Molnupiravir kháng vi rút cho F0 tại nhà càng sớm càng tốt (nhưng phải đúng chỉ định), nâng cao hiệu quả điều trị tại BV thì phải bảo vệ người có nguy cơ là lớn tuổi, người mắc các bệnh nền vì đáp ứng miễn dịch của họ kém dù tiêm đủ 2 mũi. Hạn chế cho những đối tượng này “hòa nhập”, mặt khác tiêm vắc xin mũi 3 cho họ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là HCDC), cũng cho rằng người lớn tuổi nên hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc với người không quen biết. Số ca mắc cao thì người lớn tuổi càng phải cẩn thận. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường cho biết thêm, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả F0 từ 60 tuổi trở lên đều cần được nhập viện theo dõi dù đã tiêm hay chưa tiêm vắc xin, vì diễn tiến của bệnh rất khó lường.