Dù hiện tại có nhiều dấu hiệu khả quan trong việc kiểm soát dịch nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu.
Trong những tháng gần đây, WHO cho biết trong khi các ca bệnh đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia vẫn cần duy trì sự cảnh giác và thúc đẩy các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đi tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Ủy ban của WHO cho biết: "Mặc dù ở một số nơi trên thế giới, người dân nghĩ rằng đại dịch đã đi qua nhưng nó vẫn là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực và mạnh mẽ đến sức khoẻ của dân số thế giới".
Theo ủy ban này, mặc dù số ca tử vong toàn cầu do COVID-19 hàng tuần đã xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng vẫn cao so với tỷ lệ tử vong do các vi rút khác gây ra.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Đại dịch này từng khiến chúng ta bất ngờ, và rất có thể nó tiếp tục khiến chúng ta bất ngờ một lần nữa".
Ủy ban khẩn cấp của WHO lần đầu tuyên bố COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu vào 30.1.2020, hơn một tháng trước khi WHO chính thức coi COVID-19 là đại dịch.
Đến nay, trên thế giới, đã có hơn 631 triệu người mắc bệnh, hơn 6,5 triệu ca tử vong do COVID-19. Nhiều nước đã mở cửa trở lại cuộc sống bình thường, dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội sau khi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin.
Tháng trước, ông Tedros nhận định rằng, thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Tuyên bố này được đưa ra khi nhà lãnh đạo WHO cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 hàng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2022. Ông kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch.
Theo các quan chức WHO, dù vẫn có khả năng dịch tăng trở lại nhưng thế giới đã có trong tay những công cụ như vắc xin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.