Năm 2022 chỉ mới trôi qua 2 tuần, nhưng Samsung, OnePlus, Sony, Asus… đều lần lượt tung ra mẫu điện thoại mới cải thiện khuyết điểm của loạt thiết bị tiền nhiệm, bổ sung hỗ trợ mạng 5G, nâng cao tốc độ làm mới màn hình, trang bị thêm cảm biến, chế độ chụp cùng phần mềm cho máy ảnh.
Xem xét loạt điện thoại mới, cây bút Patrick Holland của trang tin công nghệ Cnet nhận định điện thoại mà con người đang sử dụng sẽ trở nên hữu dụng, thông minh và mạnh mẽ hơn trong năm 2022 ở các khía cạnh sau:
Máy học (machine learning - ML) và trí tuệ nhân tạo (AI)
Bất kể chạy hệ điều hành Android hay iOS, điện thoại thông minh đều dùng công nghệ máy học cùng AI để nâng cao khả năng hoạt động và trải nghiệm người dùng. Ví dụ tiêu biểu nhất là chế độ chụp đêm của máy ảnh: điện thoại tập hợp nhiều ảnh chụp ở các mức phơi sáng khác nhau để cho ra 1 ảnh sáng hơn, sắc nét hơn, ít nhiễu hơn. Sau tất cả quá trình xử lý này, AI sẽ tiến hành cân bằng màu sắc cho bức ảnh. Các thao tác này chỉ diễn ra trong tích tắc và gần như không thể thực hiện được nếu không có AI và công nghệ máy học.
Trong năm 2022, máy học cùng AI chắc chắn được tiếp tục sử dụng, nhưng theo cách ít lộ liễu hơn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Charmaine D'Silva - giám đốc phụ trách sản phẩm Android của Google - nhận định AI là cốt lõi của hệ điều hành Android trong tương lai. Bà giới thiệu tính năng Private Compute Core ở Android 12 cho phép Google dùng đến máy học đem lại những công nghệ mới nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư.
Private Compute Core quản lý quá trình xử lý âm thanh lẫn ngôn ngữ trên thiết bị, tách rời với mạng điện thoại, ẩn nội dung trao đổi trò chuyện trừ phi người dùng chọn chế độ Smart Reply.
Với máy học, điện thoại giá rẻ không sở hữu phần cứng (chip xử lý, RAM) mạnh mẽ vẫn có thể truy cập nhiều tính năng mà trước đây chỉ dành cho máy cao cấp. Google đang sử dụng máy học cung cấp tính năng cao cấp - chẳng hạn như hỗ trợ chụp ảnh tăng độ tương phản màu sắc (HDR) hay dịch thuật nhanh chóng - cho thiết bị chạy Android Go giá bán dưới 50 USD.
Còn AI giúp cải thiện tình trạng pin. Oliver Zhang - Giám đốc phụ trách sản phẩm của OnePlus, cho biết: “Với cảm biến và dữ liệu người dùng, các công ty điện thoại thông minh hiểu rõ hơn về người dùng nên cung cấp thiết bị thông minh hơn. Đặc biệt thuật toán AI cho hệ thống sạc có thể dựa trên thói quen người dùng tùy chỉnh chế độ phù hợp nhất, qua đó kéo dài tuổi thọ pin”.
Khả năng tiếp cận
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê được toàn thế giới có khoảng 1 tỷ người khuyết tật - chiếm 15% dân số toàn cầu. Apple và Google đều đã hiện thực hóa cam kết cải tiến hệ điều hành theo hướng thân thiện hơn với người khuyết tật.
Bà Angana Ghosh làm việc tại Google - phụ trách phát triển tính năng Android cho người khuyết tật - cho biết: “Trong 2 năm qua chúng tôi tâp trung phát triển các tính năng như dịch trực tuyến (Live Transcribe) cho người khiếm thính, tạo phụ đề trực tuyến (Live Caption) trên nền tảng Chrome cùng Android cho phép mọi người xem video và nghe nội dung âm thanh trên web bằng cách sử dụng AI, đọc nội dung trên màn hình (Talkback) bản cải tiến cho phép người khiếm thị hoặc thị lực kém điều hướng điện thoại của họ”.
Cải thiện khả năng tiếp cận điện thoại còn có thể được thực hiện bằng cách khác. Điện thoại sẽ có thể dịch và đoán ngôn ngữ chính xác hơn, thiết bị lẫn phần mềm có thể được thiết kế để phù hợp hơn nhiều nhóm người.
Điện thoại nhắm vào nhóm người dùng cụ thể
Vài năm gần đây, các nhà sản xuất không chỉ cho ra đời điện thoại thu hút đông đảo người sử dụng, mà còn ra mắt điện thoại dành cho nhóm người dùng cụ thể. Điển hình là điện thoại chơi game dành riêng cho game thủ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim...
Sony thì cải tiến dòng sản phẩm Xperia nhằm thu hút những người thích sáng tạo bằng phần cứng và phần mềm cao cấp, giúp quá trình chụp ảnh hoặc quay video trở nên phong phú nhất có thể. Microsoft phát hành Surface Duo màn hình kép phục vụ làm việc. Trong khi đó, Samsung, Motorola và Huawei tiếp tục đạt bước tiến lớn trong phát triển điện thoại có thể gập lại.
Song song với điện thoại, phần mềm cũng được “cá nhân hóa”. Khi đại đa số điện thoại đều dùng AI cải thiện thời lượng pin và tốc độ làm mới màn hình, dòng điện thoại chơi game ROG của Asus lại trang bị bộ phần mềm Armoury Crate cho phép người dùng kiểm soát thiết bị nhiều nhất có thể. Đây là xu hướng sẽ kéo dài sang năm 2022.
Điện thoại là cuộc sống
Điện thoại xuất hiện từ cuối những năm 1990 và dần trở thành thiết bị không thể thiếu. Khi ngày càng trở nên thông minh hơn, chúng sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống con người. Nhà thông minh hay công nghệ dùng trên ô tô ngày nay đều phải dùng đến điện thoại và sẽ rất khó loại bỏ chúng khỏi cuộc sống.