Trang Interesting Engineering cho biết một nhóm nghiên cứu tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) phát hiện lươn điện có thể phóng ra lượng điện đủ để làm biến đổi gien của ấu trùng cá nhỏ.
Lươn điện - tên khoa học là Electrophorus electricus - trên thực tế không phải lươn mà thuộc họ cá dao. Chúng sản sinh lượng điện khổng lồ để làm choáng váng con mồi và ngăn cản thú săn mồi.
Loài này là đối tượng nghiên cứu tại Đại học Nagoya. Một nhóm nhà khoa học phát hiện lươn có thể phóng ra lượng điện đạt tới 860 vôn – đủ để làm biến đổi gien của ấu trùng cá nhỏ.
Nghiên cứu do hai Giáo sư Eiichi Hondo và Atsuo Iida dẫn đầu, nhằm mục đích phát triển kỹ thuật chuyển gien bằng điện di: sử dụng điện trường tạo ra các lỗ tạm thời trên màng tế bào, cho phép DNA hoặc protein xâm nhập tế bào đích.
Trong nghiên cứu, họ ngâm ấu trùng cá ngựa vào nước chứa DNA được đánh dấu bằng chất phát quang, sau đó một con lươn điện phóng điện qua máng. Kết quả DNA được đánh dấu xuất hiện ở 5% số ấu trùng – cho thấy lươn có tiềm năng hoạt động như thiết bị điện di.
Nhóm nhà khoa học kết luận dù lươn chủ yếu phóng điện để cảm nhận, săn mồi và tự vệ, nhưng chúng có thể vô tình làm biến đổi gien của sinh vật xung quanh. Giáo sư Iida tin rằng hiện tượng này xảy ra ngoài tự nhiên chứ không chỉ trong môi trường thí nghiệm.
Chuyển gien là kỹ thuật khó trong liệu pháp gien, được ứng dụng rộng rãi trong tạo giống cây trồng hoặc vật nuôi kháng bệnh cũng như trong điều trị bệnh (đặc biệt là ung thư).