Năm 1979, Ai Cập - Israel ký kết một hiệp ước mang tính bước ngoặt đem lại hòa bình cho hai nước trong hơn 40 năm qua. Nhưng hiện tại, nếu Ai Cập đình chỉ hiệp ước, biên giới phía nam Israel sẽ không còn bình yên nữa.
Hòa bình đã được giữ vững qua hai lần nổi dậy của người Palestine cùng hàng loạt cuộc xung đột giữa Israel với nhóm Hamas, nhưng giờ đây, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu muốn đưa quân vào thị trấn cực nam Rafah của Dải Gaza, chính phủ Ai Cập đe dọa đình chỉ Hiệp ước 1979.
Nỗ lực đạt hiệp ước
Năm 1977, Thủ tướng Israel vừa lên nắm quyền Menachem Begin phản đối nhượng lại bất cứ vùng lãnh thổ nào mà nước này giành được trong chiến tranh Trung Đông 10 năm trước đó – gồm cả bán đảo Sinai.
Giữa Ai Cập và Israel từng nổ ra 4 cuộc chiến lớn, gần đây nhất là vào năm 1973. Vì vậy toàn thế giới rất "sốc" khi Tổng thống Anwar Sadat quyết định tiến hành đàm phán. Nỗ lực ngoại giao đem lại Hiệp định Trại David (tại Mỹ) vào tháng 9.1978, một năm sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết.
Theo hiệp ước, Israel phải rút quân khỏi Sinai và Ai Cập cũng không quân sự hóa bán đảo; tàu thuyền Israel được phép di chuyển qua kênh đào Suez. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Lập trường hiện tại của Ai Cập
Hai quan chức Ai Cập cùng một nhà ngoại giao phương Tây nói với hãng tin AP rằng Cairo sẵn sàng đình chỉ hiệp ước ngoại giao nếu quân đội Israel tiến vào Rafah.
Thủ tướng Netanyahu xác định thị trấn cực nam là “thành trì cuối cùng” của Hamas, muốn xóa sổ nhóm vũ trang này thì không thể bỏ qua nơi đây. Tuy nhiên, Ai Cập phản đối mạnh mẽ bất cứ động thái nào có thể khiến người Palestine tràn sang nước này tị nạn. Ngoài ra, Rafah còn là điểm để viện trợ nhân đạo đi vào Dải Gaza, một cuộc tấn công quân sự sẽ cắt đứt nguồn viện trợ.
4 tháng qua, dân số Rafah tăng từ 280.000 lên khoảng 1,4 triệu do nhiều người đến đây tị nạn. Thủ tướng Netanyahu chỉ đạo quân đội Israel lên kế hoạch sơ tán dân thường nhưng đến nay vẫn chưa rõ họ sẽ đi về đâu. Việc quay về miền Bắc Gaza dường như không khả thi vì khu vực đó đã tan hoang bởi chiến dịch quân sự.
Điều gì xảy ra nếu hiệp ước bị đình chỉ?
Hiệp ước 1979 hạn chế đáng kể số lượng binh sĩ ở cả hai bên biên giới, qua đó cho phép Israel chuyển nguồn lực sang nơi khác chẳng hạn như biên giới giáp Lebanon (nơi nhóm Hezbollah đang quấy phá) hay Bờ Tây.
Nếu Ai Cập đình chỉ hiệp ước, biên giới phía nam Israel sẽ không còn bình yên nữa. Tel Aviv chắc chắn phải tăng cường lực lượng đến đó, khiến quân đội tốn thêm nguồn lực vốn đã ít ỏi.
Phía Cairo cũng bị thiệt hại. Ai Cập nhận được hàng tỉ USD viện trợ quân sự từ Mỹ từ khi có hiệp ước. Đình chỉ hiệp ước đồng nghĩa mất đi viện trợ, hơn nữa triển khai thêm quân sẽ làm tăng áp lực lên nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Mất đi một yếu tố giữ ổn định quan trọng, tình hình Trung Đông đứng trước nguy cơ rối rắm hơn nữa.