Nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, ngừng cung cấp vũ khí cho Israel trong bối cảnh số thường dân thiệt mạng ở Gaza ngày càng tăng.
“Mọi người tới Tel Aviv cầu xin hãy bảo vệ dân thường, đừng giết hại nhiều người. Có bao nhiêu là quá nhiều?", ông Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nói trong cuộc họp của các bộ trưởng EU hôm 12.2.
"Nếu họ lo lắng về số người chết, có lẽ họ nên cung cấp ít vũ khí hơn để ngăn chặn điều đó", ông Borrell nói và trích dẫn phán quyết cùng ngày của Tòa án tối cao Hà Lan yêu cầu chính phủ nước này ngừng vận chuyển các linh kiện cho máy bay chiến đấu F-35 sang Israel. Ông nhấn mạnh rằng sẽ thật mâu thuẫn khi các đồng minh Israel liên tục lên án việc nước này gây nhiều thương vong dân sự ở Gaza, song vẫn không ngừng viện trợ vũ khí cho Israel.
Bình luận của nhà ngoại giao hàng đầu EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết phản ứng của Israel đối với Hamas ở Dải Gaza là "đang vượt quá giới hạn". Số người chết vì các vụ đánh bom trả đũa của Israel sau vụ tấn công ngày 7.10 hiện đã vượt quá 28.000 người, theo báo cáo Cơ quan y tế của Gaza.
Ông Borrell cũng phê bình việc Mỹ đã đưa ra quyết định tương tự khi cung cấp vũ khí cho Israel trong cuộc xung đột năm 2006 với Lebanon. “Israel đã không muốn dừng chiến tranh. Chính xác đây là điều tương tự xảy ra ngay bây giờ”, ông nói.
Mỹ hiện là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Israel, cung cấp hơn 3,8 tỉ USD khí tài mỗi năm. Các gói viện trợ gồm nhiều máy bay chiến đấu và các loại đạn pháo có sức công phá mạnh.
Phản ứng trước những bình luận trên của quan chức đối ngoại cấp cao EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định việc ngưng viện trợ vũ khí cho Israel không chắc có giúp giảm thiệt hại cho dân thường hay không, nhưng chắc chắn sẽ gây tác động lớn đối với Israel.
Đáng chú ý, một loạt cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza hôm 12.2 đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Các máy bay, xe tăng, và tàu của Israel đã cùng tham gia tấn công Rafah, khiến 2 nhà thờ Hồi giáo và một vài ngôi nhà bị tàn phá. Rafah là thành phố giáp biên giới Ai Cập và là nơi gần 1,5 triệu người Palestine đang chen chúc để tìm kiếm sự an toàn.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích động thái này của Israel. Trong đó, Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell phản đối yêu cầu từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng hơn một triệu người Palestine trú ẩn tại thành phố Rafah cần được sơ tán trước một chiến dịch quân sự mà Tel Aviv đang lên kế hoạch thực hiện ở đây.
“Thủ tướng Israel Netanyahu không lắng nghe bất cứ ai. Họ sẽ sơ tán người Palestine đi đâu. Đi lên mặt trăng ư?”, ông Borrell phát biểu hôm 12.2.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Volker Turk, cũng cảnh báo viễn cảnh một cuộc tấn công tổng lực của Israel vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza là vô cùng đáng sợ. “Những hậu quả tàn khốc hoàn toàn có thể được tưởng tượng được”, ông nói.
“Một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah, nơi có khoảng 1,5 triệu người Palestine bị dồn ép sát biên giới Ai Cập mà không còn nơi nào để chạy trốn là điều vô cùng đáng sợ. Một số lượng lớn dân thường chủ yếu gồm toàn phụ nữ và trẻ em, có thể sẽ thiệt mạng hoặc bị thương. Chúng tôi đã cảnh báo chống lại các hành động vi phạm luật chiến tranh”, Cao ủy nhân quyền LHQ Ravina Shamdasani cho hay.
Ngoài ra, các bộ trưởng EU đã lên tiếng ủng hộ cơ quan của LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA). Israel gần đây đã tấn công vào cơ quan này vì cho rằng các nhân viên ở đây tiếp tay cho lực lượng Hamas.
Quân đội Israel cho biết họ đã phát hiện mạng lưới đường hầm dài hàng trăm mét và chạy một phần bên dưới trụ sở UNRWA ở Dải Gaza. Theo Israel, đây là bằng chứng mới nhất cho thấy Hamas lợi dụng cơ quan cứu trợ chính của LHQ để phục vụ các cuộc tấn công.
“Việc chính phủ Israel muốn loại bỏ UNRWA không phải là bí mật, nhưng chỉ có một cách để giải thể cơ quan này. Đó là thông qua việc thành lập hai nhà nước”, ông Borrell nói.
Một số nước EU và các nhà tài trợ quốc tế đã dừng tài trợ cho UNRWA kể từ những cáo buộc của Israel, cắt giảm hơn một nửa ngân sách của cơ quan này.
Ủy ban châu Âu hiện vẫn chưa quyết định liệu có cung cấp khoản thanh toán 82 triệu euro cho UNRWA vào cuối tháng hay không, vì hai cuộc điều tra liên quan tới việc cơ quan của LHQ hỗ trợ Hamas đang được tiến hành.