Các cuộc điều tra chính thức về cách con tàu container khổng lồ Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez bắt đầu vào 31.3.

Điều tra nguyên nhân tàu Ever Given chắn ngang kênh Suez, các hãng bảo hiểm lo sốt vó

Nhân Hoàng | 31/03/2021, 22:26

Các cuộc điều tra chính thức về cách con tàu container khổng lồ Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez bắt đầu vào 31.3.

Một quan chức ở kênh đào Suez (Ai Cập) tiết lộ nói với Reuters điều này.

Sự tắc nghẽn kéo dài 6 ngày khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên hỗn loạn sau khi Ever Given, con tàu dài 400 mét, trọng tải gần 224.000 kg chở 18.300 container, bị kẹt chéo qua một đoạn phía nam kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Hôm 31.3, Leth Agencies, bên chuyên cung cấp dịch vụ cho các khách hàng sử dụng kênh đào Suez, cho biết tổng cộng 163 tàu đã quá cảnh qua kênh đào Suez kể từ khi mở trở lại và có tổng cộng 292 tàu đang chờ.

Chủ tịch Osama Rabie của Cơ quan Kênh đào Suez (SCA) đã gợi ý rằng điều kiện thời tiết, bao gồm cả gió lớn và lỗi của con người, có thể là nguyên nhân khiến Ever Given mắc cạn hôm 23.3.

"Những tai nạn nghiêm trọng như vậy có thể không phải do một yếu tố nào gây ra, một phần có thể là gió, một phần khác có thể là yếu tố con người, và một phần khác có thể là kỹ thuật", Tướng Osama Rabie nói trong một cuộc họp báo tối 29.3 sau khi Ever Given được giải phóng.

dieu-tra-nguyen-nhan-tau-ever-given-chan-kenh-suez-cac-hang-bao-hiem-lo-sot-vo.jpg
Một người đàn ông vẫy cờ Ai Cập khi Ever Given, một trong những con tàu container lớn nhất thế giới, nổi hoàn toàn ở kênh đào Suez

Cuộc điều tra sẽ bao gồm việc kiểm tra khả năng đi biển của Ever Given và hành động từ thuyền trưởng để giúp xác định nguyên nhân.

Thuyền trưởng Ever Given đã cam kết tuân thủ hoàn toàn cuộc điều tra, sẽ bắt đầu vào ngày 31.3.

Vụ việc dự kiến ​​sẽ làm phát sinh hàng loạt các yêu cầu bảo hiểm. Trong đó Chủ tịch Lloyd’s of London (Anh) dự kiến công ty này có thể phải chi trả khoản bồi thường bảo hiểm lên tới 100 triệu USD hoặc hơn.

Lloyd’s of London là công ty bảo hiểm tàu ​​biển lâu đời nhất thế giới.

Shoei Kisen, công ty Nhật Bản sở hữu siêu tàu Ever Given, chưa nhận được bất kỳ khiếu nại hoặc kiện tụng nào về việc tắc nghẽn giao thông.

Hôm 30.3, Yumi Shinohara, Phó giám đốc Shoei Kisen, nói với Reuters qua điện thoại: “Không có khiếu nại hoặc kiện cáo nào chống lại công ty của chúng tôi liên quan đến vụ việc".

Chúng tôi vẫn đang điều tra nguyên nhân của sự cố và chi phí, bao gồm chi trả bảo hiểm và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra”, bà Yumi Shinohara nói mà không giải thích chi tiết.

Các nguồn tin trong ngành cho biết chủ sở hữu và công ty bảo hiểm của Ever Given có thể phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường lên tới hàng triệu USD ngay cả khi con tàu nhanh chóng di chuyển đi.

Thân tàu Ever Given được bảo hiểm bởi công ty Mitsui Sumitomo Insurance (Nhật Bản), thuộc MS&AD Insurance Group Holdings, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance Co và Sompo Japan Insurance Inc, trong khi P&I Club ở Vương quốc Anh cũng là nhà bảo hiểm cho Ever Given, Yumi Shinohara cho biết.

Các nhà điều tra đã lên Ever Given hôm 30.3 để kiểm tra, theo nguồn tin từ kênh đào Suez và một đại lý vận tải.

SCA đã lên lịch cho các tàu tăng tốc qua kênh Suez và cho biết hy vọng lượng tàu tồn đọng có thể được thông quan hết vào cuối tuần.

Sự tắc nghẽn kênh đào Suez gây thiệt hại khủng khiếp

Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi qua kênh đào Suez, đây là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu, khoảng 1 triệu thùng dầu và khoảng 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi qua kênh đào Suez mỗi ngày.

Tướng Osama Rabie nói với các phóng viên hôm 27.3 rằng Ai Cập thiệt hại 14 - 15 triệu USD (10,2 - 10,9 triệu bảng Anh) doanh thu cho mỗi ngày do kênh đào Suez phải tạm thời đóng cửa.

Trước đại dịch COVID-19, thương mại đi qua kênh đào Suez đã đóng góp tới 2% GDP của Ai Cập, theo Moody's.

Ngoài ra, dữ liệu từ tạp chí hàng hải Lloyd's List cho thấy Ever Given đang nắm giữ khoảng 9,6 tỉ USD giao dịch dọc theo đường thủy mỗi ngày. Điều đó tương đương với 400 triệu USD và 3,3 triệu tấn hàng hóa/giờ, hay 6,7 triệu USD/phút.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn, công ty bảo hiểm Đức Allianz chỉ ra rằng sự tắc nghẽn kênh Suez có thể gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu từ 6 tỉ USD đến 10 tỉ USD mỗi tuần, giảm tốc độ tăng trưởng thương mại hàng năm từ 0,2 đến 0,4 điểm %.

Nhà môi giới vận tải biển Braemar ACM nói với tờ Wall Street Journal rằng chi phí thuê một số tàu để vận chuyển hàng hóa đến và đi từ châu Á, Trung Đông đã tăng 47% trong tuần này lên 2,2 triệu USD.

Một số tàu đang được định tuyến lại để tránh kênh đào Suez, đồng nghĩa thêm khoảng 8 ngày vào hành trình của họ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều tra nguyên nhân tàu Ever Given chắn ngang kênh Suez, các hãng bảo hiểm lo sốt vó