Các chuyên gia nam học cho rằng, không chỉ những bệnh nhân mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe” mặc cảm, thiếu tự tin mà chính bác sĩ tư vấn, điều trị cho những bệnh nhân này cũng đang bối rối và không tự tin. Điều này, đang là thách thức trong việc tiếp cận, điều trị bệnh nhân rối loạn cương.

Điều trị rối loạn cương: Cả 2 cùng bối rối!

Hồ Quang | 28/07/2019, 16:23

Các chuyên gia nam học cho rằng, không chỉ những bệnh nhân mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe” mặc cảm, thiếu tự tin mà chính bác sĩ tư vấn, điều trị cho những bệnh nhân này cũng đang bối rối và không tự tin. Điều này, đang là thách thức trong việc tiếp cận, điều trị bệnh nhân rối loạn cương.

Cả 2 cùng bối rối, thiếu tự tin

Rối loạn cương là tình trạng không có khả năng thực hiện hoặc duy trì dương vật cương đủ để thỏa mãn hoạt động tình dục. Bệnh này thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi.

Theo các chuyên gia nam học, vào năm 2025, thế giới sẽ có khoảng 322 triệu nam giới trên 65 tuổi đang đối diện với tác động của bệnh rối loạn cương, một căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”. Dự kiến vào năm 2025, thế giới sẽ có khoảng 300 triệu nam giới bị tình trạng rối loạn cương. Điều này sẽ tác động đến nhiều vấn đề tiêu cực cũng như nhận thức xã hội về hoạt động tình dục của người lớn tuổi.

Tại Việt Nam, bệnh nhân bị các vấn đề về nam khoa đến khám và điều trị trong thời gian gần đây gia tăng một cách mạnh mẽ. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bình Dân, trong năm 2018 vừa qua đã có hơn 85 nghìn bệnh nhân bị các bệnh về nam khoa đến khám và điều trị, cao gấp nhiều lần so với các năm trước đó.

Trong số hơn 85 nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về nam khoa đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bình Dân có đến 11,6% bị rối loạn cương. Như vậy số lượng bệnh nhân bị rối loạn cương rất lớn.

PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, bình quân mỗi năm tại bệnh viện này có khoảng 9.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám và điều trị bệnh rối loạn cương.

Trong thời gian gần đây, bệnh nhân bị rối loạn cương đến khám và điều trị tại đây đang tăng vọt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 8.200 lượt bệnh nhân mắc bệnh rối loạn cương đến tìm giải pháp để chữa trị căn bệnh này.

Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo “Điều trị rối loạn cương: Lựa chọn nội khoa hay phẫu thuật” hôm28.7, Ths.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho rằng việc tiếp cận bệnh nhân bị rối loạn cương hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Dũng nhiều bệnh nhân bị rối loạn cương thường nghĩ bệnh này không quan trọng, chờ đợi sức khỏe tốt sẽ khỏi hay bệnh của người già, bác sĩ không thể nào trị được.

Bác sĩ Dũng cũng chỉ ra những rào cản hiện nay trong việc tiếp cận, điều trị bệnh nhân bị rối loạn cương. Ngoài sự thiếu tự tin, mặc cảm thì những bệnh nhân này cũng thiếu niềm tin vào kết quả điều trị.

Phần lớn các bệnh nhân bị rối loạn cương thiếu tin tưởng vào bác sĩ. Thống kê cho thấy, có khoảng 71% bệnh nhân lo lắng bác sĩ không nắm được vấn đề sức khỏe nam giới và có khoảng 68% bệnh nhân nghĩ bác sĩ không thoải mái hay bối rối khi bệnh nhân cần tham vấn về vấn đề nam khoa.

Trong lúc bệnh nhân mắc bệnh rối loạn cương còn tự ti, mặc cảm, chưa tin vào kết quả điều trị thì bác sĩ điều trị bệnh này cũng thưa thực sự sẵn sàng.

“Đối với căn bệnh này, các bác sĩ chưa được đào tạo đúng chuẩn để thực hành, thiếu các thông tin cập nhật y khoa, không có sự liên hệ với các bệnh lý toàn thân. Bên cạnh đó, các bác sĩ lại bối rối, thiếu tự tin trong việc tiếp cận và điều trị bệnh nhân mắc bệnh rối loạn cương”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Điều trị rối loạn cương bằng cách nào?

Dù có những khó khăn trong việc tiếp cận để điều trị bệnh nhân bị rối loạn cương, nhưng theo bác sĩ Dũng với nhiều phương pháp điều trị hiện đại như hiện nay, bệnh nhân mắc bệnh này sẽ được trả lại chức năng vốn có.

Hiện nay, bệnh rối loạn cương ngoài điều trị nội khoa bằng nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterase 5 (PDE5i), còn điều trị bằng phương pháp hút chân không, sóng xung kích, đặt thể hang nhân tạo...

Bác sĩ Dũng cho biết, phần lớn những bệnh nhân bị rối loạn cương thường đi kèm với các bệnh lý mạn tính khác như: tiểu đường, huyết áp, tim mạch... Do đó, có nhiều bệnh nhân điều trị nội khoa bằng thuốc không đáp ứng. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị rối loạn cương đáp ứng với thuốc chỉ khoảng 30%.

Vì vậy, các phương pháp khác như hút chân không, sóng xung kích, đặt thể hang nhân tạo, đặc biệt là kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo sẽ giải quyết đứt điểm tình trạng “trên bảo dưới không nghe” của bệnh nhân.

Trong đó, phương pháp sử dụng dụng cụ hút chân không phù hợp với nam giới không thích hoặc không phù hợp điều trị thuốc và là lựa chọn điều trị không xâm lấn và ít tốn kém.

Dụng cụ hút chân khôngtạo ra một áp suất chân không gây cương và đảm bảo tình trạng cương bằng một vòng co giãn ở ở gốc dương vật trong khoảng 30 phút

Riêng điều trị rối loạn cương bằng sóng xung kích được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn cương do mạch máu và có thời gian bị bệnh trên 6 tháng. Phương pháp này sẽ tăng cường sự phát triển mạch máu, làm cải thiện lưu lượng máu đến dương vật sau khi kích thích tình dục và cải thiện sự cương cứng.

Trong trường hợp, những pháp điều trị rối loạn cương trên đều không đáp ứng thì phương pháp phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo sẽ trả lời được “bản lĩnh đàn ông” cho nam giới.

Kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo giúp bệnh nhân bị rối loạn cương lấy lại ‘bản lĩnh đàn ông’ - Ảnh: Internet

“Thể hang nhân tạo là một thiết bị gồm hai que hình trụ đặt vào 2 bên thể hang, một túi chứa đặt ở sau xương mu và một bơm đặt ở bìu để người bệnh có thể chủ động bật và tắt chức năng cương. Ba bộ phận này được kết nối bằng hệ thống dây dẫn nằm ẩn bên trong cơ thể. Sau khi quan hệ tình dục đạt cực khoái, nam giới có thể đóng công tắc để cho dương vật xìu xuống. Nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận tỷlệ hài lòng khi quan hệ tình dục ở nam giới và bạn tình lên đến hơn 90% sau phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo. Kỹ thuật này rất phù hợp với những bệnh nhân rối loạn cương do bị chấn thương cột sống, phẫu thuật vùng chậu, phẫu thuật tiền liệt tuyến...”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều trị rối loạn cương: Cả 2 cùng bối rối!