Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quảng cáo, nếu thu hồi toàn bộ 435 bảng quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội để đấu thầu lại, thiệt hại kinh tế là rất lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản vì nợ nần cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động.

DN băn khoăn từ việc thu hồi, đấu thầu lại 435 bảng quảng cáo ngoài trời

Đình Mười | 13/09/2018, 06:39

Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quảng cáo, nếu thu hồi toàn bộ 435 bảng quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội để đấu thầu lại, thiệt hại kinh tế là rất lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản vì nợ nần cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động.

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét đơn kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố về việc triển khai quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Theo đơn kêu cứu của các doanh nghiệp quảng cáo, UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 1997 ngày 24.4.2018 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.

Đáng chú ý, trong dự thảo này, cơ quan tham mưu của UBND thành phố Hà Nội có đề xuất chủ trương hàng trăm bảng quảng cáo đã nằm trong diện quy hoạch từ trước đến nay chỉ được tiếp tục thực hiện sau 3 tháng kể từ ngày ban hành kế hoạch triển khai, sau đó sẽ thu hồi vị trí để tổ chức đấu thầu lại toàn bộ.

Điều này theo các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng đang thực hiện, thiệt hại về kinh tế là rất lớn và khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động. Kéo theo đó sẽ diễn ra tình trạng tranh giành, nâng giá, gây xáo trộn thị trường.

Quảng cáo ngoài trời có đặc thù riêng, các vị trí quảng cáo nằm đơn lẻ, rải rác trong toàn TP và thuộc quyền quản lý, sử dụng của các đối tượng khác nhau. Phần lớn các vị trí xây dựng bảng đều nằm trên đất thuộc quyền sử dụng của tư nhân, đã được các doanh nghiệp thuê hoặc mua dài hạn. Các doanh nghiệp đã tự bỏ vốn đầu tư, kinh doanh bảng quảng cáo hợp lệ từ nhiều năm, được cơ quan nhà nước thừa nhận qua việc cấp phép xây dựng, quảng cáo. Đó chính là tài sản hợp hiến, hợp pháp của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quảng cáo cũng cho biết, tháng 5.2018, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã gửi Dự thảo kế hoạch triển khai đến Hiệp hội Quảng cáo xin ý kiến đóng góp (dự thảo lần 1). Về cơ bản, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đều đồng tình với bản dự thảo này, nó khẳng định tính kế thừa theo Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 13.1.2018 và Quyết định số 1180/QĐ-UBND ngày 30.3.2007 của UBND thành phố.

Nhưng sang tháng 8.2018, trong bản dự thảo lần 2 lại có chủ trương thu hồi đối với các vị trí quảng cáo được kế thừa, điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định 348/QĐ-UBND để đấu thầu.

Bản dự thảo lần 2, UBND thành phố đã lấy ý kiến tham gia, đóng góp của các ban, ngành nhưng gần 1 tháng nay chưa gửi cho Hiệp hội quảng cáo Việt Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn để lấy ý kiến như dự thảo lần 1, trong khi đó nội dung của dự thảo lần 2 đã thay đổi nhiều điểm quan trọng so với trước.

Cụ thể, trong bản dự thảo lần 2, mục 2 phần IV quy định về tổ chức thực hiện, thời gian, phân công trách nhiệm lại quy định “Đối với những vị trí quảng cáo được kế thừa, điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 13.1.2013 của UBND thành phố được tiếp tục thực hiện sau 03 tháng kể từ ngày ban hành kế hoạch này. Sau đó sẽ thu hồi vị trí để tổ chức đấu thầu theo quy định”.

Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quảng cáo trên địa bàn đề nghị Thành phố Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết theo quy định phê duyệt quy hoạch số 1997/QĐ-UB. Đồng thời, các doanh nghiệp đề nghị được đối thoại với UBND thành phố về việc thu hồi tài sản hợp pháp và tổ chức đấu giá những vị trí quảng cáo mà các doanh nghiệp đã được pháp luật thừa nhận.

Gửi ý kiến đến UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Hà Nội trong quá trình xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời cần chú ý đến việc ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước theo Luật Quảng cáo, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, UBND TP.Hà Nội cũng chưa ban hành quy định về việc đấu thầu các bảng quảng cáo ngoài trời để các doanh nghiệp được biết và có phản hồi cũng như có phương án bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.

Trong văn bản do ông Đinh Quang Ngữ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ký gửi UBND TP.Hà Nội, Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội tổ chức gặp và đối thoại trực tiếp để nghe các doanh nghiệp phản ánh nguyện vọng. Sớm cho công bố công khai, rộng rãi quy hoạch chi tiết quảng cáo ngoài trời và cho hoạt động quảng cáo của thành phố được duy trì một cách liên tục, bình thường, theo lộ trình hợp lý, phù hợp với giấy phép xây dựng, quảng cáo và hoạt động thực tiễn.

Việt Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
DN băn khoăn từ việc thu hồi, đấu thầu lại 435 bảng quảng cáo ngoài trời