Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), kinh doanh “ngầm” có thể dung túng, nuôi dưỡng ý thức "nhờn" luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước từ cả hai phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

'DN làm đúng thì khó cạnh tranh, làm sai thì thành con tin của công chức'

Trí Lâm | 04/10/2017, 14:00

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), kinh doanh “ngầm” có thể dung túng, nuôi dưỡng ý thức "nhờn" luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước từ cả hai phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

          

Tại diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn dẫn ra nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), WB từ năm 2003, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng chính sự kiểm soát quá mức, quá tập trung tại Việt Nam đã khuyến khích hoạt động không chính thức, thúc đẩy “tính ngầm” của nền kinh tế.

“Sự kiểm soát quá mức kèm theo những thủ tục hành chính không phù hợp và quá phức tạp có thể góp phần làm tăng hoạt động không chính thức. Hoạt động không chính thức tỷ lệ thuận với thời gian mà doanh nghiệp phải đối phó với các quy định của luật pháp”, ông Tuấn nói và nêu ví dụ, cứ mất thêm 2 ngày phải giải quyết các quy định về quản lý tại một thành phố thì tương quan với số lượng hợp đồng lao động chính thức giảm đi 1%.

Bên cạnh đó, các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ bị coi là vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của công chức “nhiều quyền thiếu tâm”.

Theo vị này, một nguy cơ nữa với nhà kinh doanh trong “hàng rừng các quy định” là doanh nghiệp càng nổi, càng thành công thì càng rủi ro. Điều tra của WB và IFC cho thấy các công ty lớn, phát triển nhanh và có đăng ký kinh doanh đàng hoàng thì lại bị thanh tra thường xuyên hơn. Số lượng các cuộc thanh tra thuế thường tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của công ty. Các doanh nghiệp lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, chịu gánh nặng hành chính lớn hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

“Khi to thì dễ bị chú ý, làm ăn bài bản thì thiệt thòi, sẽ tạo ra tâm lý phổ biến nằm lòng của nhà kinh doanh là “khôn dựng trại, dại dựng nhà”. Thực tế “chối bỏ thành công” này đang hình thành văn hoá “kinh doanh nhì nhằng” và động lực chuyển các hoạt động kinh doanh về dưới dạng không chính thức. Lâu dần là một tảng băng kinh tế ngầm lớn dần”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Toàn cảnh diễn đàn

Nêu ra tác hại của điều này, ông Tuấn cho rằng nền kinh tế ngầm sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh; hạn chế cơ hội và quy mô kinh doanh do mối quan hệ góp vốn chủ yếu dựa trên quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen, không thể phát triển đến quy mô lớn để tận dụng được lợi thế quy mô. Bên cạnh đó, điều này cũng tạo ra dư địa lớn cho công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân.

“Chắc chắn về lâu dài nó tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính quy. Tạo nên những yếu tố bất ổn, không lường hết rủi ro khi quyết định đầu tư. Không khuyến khích và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, không khuyến khích đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực…”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, kinh doanh ngầm với quy mô lớn và phổ biến làm cho các doanh nhân không dám lên tiếng phản đối, tố cáo công chức nhà nước vi phạm luật pháp, không dám phê bình, phản đối chính sách bất hợp lý, lối làm việc thiếu trách nhiệm, thậm chí phi pháp của công chức nhà nước.

“Điều đó đến lượt nó tiếp tục dung túng, nuôi dưỡng ý thức "nhờn" luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước từ cả hai phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Nguy hiểm hơn, kinh tế ngầm sẽ không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác để hoạch định các chính sách vĩ mô hợp lý; hiệu lực của các chính sách, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực luật pháp cũng hết sức hạn chế, thậm chí bị chệnh hướng, vô hiệu hóa.

Hậu quả là làm cho doanh nghiệp và sản phẩm giảm năng lực cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khó có thể hội nhập được với các hoạt động thương mại quốc tế để tận dụng hết được các cơ hội có được nhờ hội nhập, rất dễ bị ra khỏi dòng vận động của kinh tế quốc tế, đất nước dễ tụt hậu xa hơn.

Hoài Phong

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'DN làm đúng thì khó cạnh tranh, làm sai thì thành con tin của công chức'