Việc khởi tố Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vì tội tham ô tài sản được cho là có liên quan đến những sai phạm tại các dự án mà PVC thi công, trong đó đáng chú ý là dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ.

Hé lộ những sai phạm của Tổng giám đốc PVC tại dự án ethanol 1.300 tỉ đồng

tuyetnhung | 30/09/2017, 06:07

Việc khởi tố Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vì tội tham ô tài sản được cho là có liên quan đến những sai phạm tại các dự án mà PVC thi công, trong đó đáng chú ý là dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ.

Như Một Thế Giới đã đưa tin tối 29.9, liên quan tới vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản" xảy ra tại PVC, mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố ông Nguyễn Anh Minh, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 2 thuộc cấp là ông Bùi Mạnh Hiển, Chánh văn phòng PVC và ông Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC.

Trong đó, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Minh được cho là người liên quan trực tiếp đến những sai phạm của PVC tại: dự án nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch, các khoản tiền góp vốn giữa Công ty mẹ PVC và các đơn vị thành viên, trong đó có Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Hà Nội (PVC HN).

Đặc biệt, ông Minh còn là người đại diện cho PVC ký hợp đồng kinh tế giao thầu cho PVC HN về việc thiết kế, mua sắm, xây dựng dự án Nhà máy ethanol Phú Thọ. Hợp đồng dự án này trị giá 43,2 triệu USD và thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông nhưng vẫn chưa có Nghị quyết của Đại hội cổ đông. Theo đó, hợp đồng này là vô hiệu hóa, vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Liên quan đến dự án ethanol này, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của PVC. Cụ thể, đại dự án này có hàng loạt các sai phạm từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, chỉ định thầu cho đến triển khai đầu tư dự án.

Chủ đầu tư là Công ty cổ phầnHoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.317 tỉ đồng. Ngày 13.3.2009, PVC có công văn gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xin được thực hiện gói thầu EPC tại Nhà máy ethanol Phú Thọ và đã được PVN chấp thuận giao cho thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu. Gói thầu thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng nhà máy có giá trị hơn 59 triệu USD này sau đó được giao cho liên danh bao gồm PVC và Alfa Laval, Delta-T thực hiện.

Tuy nhiên, đến thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án nhiên liệu sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự. Do đó, PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án.

"Việc chỉ định thầu cho liên danh, trong đó PVC thực hiện các công việc chính của dự án khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm là vi phạm quy định Luật Đấu thầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trong quá trình thực hiện, nhà thầu PVC đã phải dừng thi công dự án từ tháng 11.2011, vi phạm quy định hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, dự án khó tiếp tục thực hiện", Thanh tra Chính phủ nêu.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết trong quá trình nhà thầu PVC và chủ đầu tư đàm phán hợp đồng, PVN giao chủ đầu tư đàm phán với các đối tác về gói thầu EPC với giá không vượt quá 50 triệu USD. Tuy nhiên, PVC đã có văn bản gửi chủ đầu tư và PVN xin cam kết thực hiện gói thầu EPC với giá trọn gói hơn 59 triệu USD và không phát sinh thêm.

Mặc dù đã cam kết nhưng trong quá trình thực hiện, giá trị gói thầu EPC vẫn phải điều chỉnh tăng. Ngày 25.8.2010, PVC có văn bản cảnh báo chủ đầu tư phát sinh lên tới hơn 20 triệu USD. Song, chủ đầu tư PVB đã chấp thuận phát sinh và đồng ý điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC lên thành gần 66,4 triệu USD, chênh lệch gần 8,4 triệu USD so với hợp đồng gốc.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nguyên nhân tăng giá hợp đồng EPC không xuất phát từ nhu cầu của dự án và yêu cầu của chủ đầu tư, mà do không tuân thủ đúng thiết kế cơ sở đã được phê duyệt, nhiều hạng mục đã lấy theo giá của nhà thầu PVC ký với các nhà thầu phụ, trong khi đó giá do PVC mua của các nhà thầu phụ không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và không phải là căn cứ để tăng giá trị hợp đồng.

Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá trị gói thầu thuộc khối lượng công việc của PVC phải thực hiện là không đúng quy định của hợp đồng EPC ký theo hình thức hợp đồng trọn gói. Trong quá trình thực hiện, PVC đã uỷ quyền và chuyển giao cho nhà thầu phụ là PVC HN quản lý, thực hiện toàn bộ phần việc còn lại cũng được đánh giá là vi phạm Luật Xây dựng.

Không chỉ điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC 1 lần, vào ngày 22.7.2011, PVC lại tiếp tục đề nghị tăng giá trị hợp đồng thêm 17,3 triệu USD. Do không được chủ đầu tư chấp nhận, PVC đơn phương dừng thi công dự án từ tháng 11.2011.

Thời điểm này, PVC mới thừa nhận ít kinh nghiệm về quản lý, kết nối các giao diện công nghệ của nhà máy nhiên liệu sinh học, chỉ có thể thực hiện được việc xây dựng và lắp đặt, do đó đề nghị PVN và chủ đầu tư tìm nhà thầu khác.

Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án tại Phú Thọ có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện hợp đồng EPC, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trước đây, PVC được xem là một trong những những tổng công ty chủ lực của PVN, được giao đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ. Hàng chục dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỉ đồng đã và đang được PVN giao cho PVC thi công như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn...

Thuở "sơ khai", PVC chỉ có số vốn điều lệ 150 tỉ đồng. Sau đó, quy mô tăng nhanh đột biến khi được PVN góp vốn bằng tiền mặt và cổ phần của tập đoàn tại các công ty thành viên để tăng vốn lên 1.500 tỉ đồng. Từ chỗ là "con cưng" của PVN, bỗng chốc PVC trở thành một trong những đơn vị kinh doanh "bết bát" nhất tập đoàn khi phát sinh lỗ hơn 3.200 tỉ đồng trong 2 năm 2012-2013.

Quá trình xuống dốc của PVC được cho là gắn liền với khoảngthời gian ông Trịnh Xuân Thanhlàm Chủ tịch Hội đồng quản trị (từ tháng 2.2009 - 5.2013). Trong năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi xem xét đã kết luận ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều khuyết điểm, vi phạm và là người chịu trách nhiệm chính trong khoản lỗ của PVC.

6 tháng đầu năm, PVC có doanh thu đạt hơn 1.809 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 45 tỉ đồng. Nguồn việc của công ty chủ yếu phụ thuộc vào 2 dự án là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1...

Được biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thua lỗ của PVC là do đơn vị này phải trích lập dự phòng đối với một loạt khoản mục như dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh. Có đến 2.800 tỉ đồng, chiếm 85% tổng mức lỗ của công ty mẹ PVC trong 2 năm 2012-2013 là các khoản trích lập dự phòng chủ yếu liên quan đến các công ty thành viên.

Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến thua lỗ là do năng lực quản trị và kinh doanh yếu kém tại PVC và các công ty thành viên, cùng với đó là hàng loạt bê bối, kiện tụng đã xảy ra.

Ông Nguyễn Anh Minh, sinh ngày 27.8.1977, trú tại phòng 402, CT9, khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Trần Văn Lai, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; nghề nghiệp: Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Ông Minh được áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Minh cũng là cán bộ được điều chuyển từ Tổng công ty Sông Hồng sang cùng với Trịnh Xuân Thanh. Từ tháng 12.2009 đến đầu năm 2011, ông Nguyễn Anh Minh là Ủy viên HĐQT, sau đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC HN.

Đầu năm 2011, ông Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc PVC. Đến tháng 4.2015, ông Minh được bổ nhiệm giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố hàng loạt bị can là lãnh đạo PVN và PVC, trong đó có người tiền nhiệm của ông Minh là Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hé lộ những sai phạm của Tổng giám đốc PVC tại dự án ethanol 1.300 tỉ đồng