“Đò dọc” là cuốn tiểu thuyết tâm lý của nhà văn hóa Bình Nguyên Lộc. Đò dọc không chỉ chở những phận người ngược xuôi, còn chở cả một miền văn hóa đáng yêu, đáng nhớ.
Văn hóa

'Đò dọc' - Chở người ngược xuôi, chở miền văn hóa

Tiểu Vũ 08/04/2024 18:00

“Đò dọc” là cuốn tiểu thuyết tâm lý của nhà văn hóa Bình Nguyên Lộc. Đò dọc không chỉ chở những phận người ngược xuôi, còn chở cả một miền văn hóa đáng yêu, đáng nhớ.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình đã 10 đời sống tại vùng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ (nay là Bình Dương). Ông là nhà văn lớn, nhà văn hóa Nam Bộ chuyên nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp cầm bút, ông có khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và 4 cuốn sách nghiên cứu. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

binh-nguyen-loc-nguyen_thi_hop(1).jpg
Chân dung nhà văn Bình Nguyên Lộc - Tranh: Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp

Đò dọc là một trong những tiểu thuyết của nhà văn Bình Nguyên Lộc được đánh giá rất cao.

Đò dọc kể về cuộc sống của một gia đình kẻ chợ về vườn, sống lạc lõng, cô đơn và gặp nhiều nỗi éo le khi bốn cô con gái phơi phới xuân xanh bị đưa tới chốn buồn tẻ. Mượn câu chuyện một gia đình di dân như chuyến đò xuôi ngược, với bút pháp mô tả tâm lý sâu sắc, tác phẩm phản ánh được phần nào bức tranh xã hội với những cuộc di dân do biến động lịch sử, với sự phân biệt giữa dân chợ (người thành thị) với dân quê.

Trên bối cảnh đó, tiểu thuyết này còn thể hiện được tinh tế sự thay đổi trong quan niệm xã hội buổi giao thời về hôn nhân và vai trò của người phụ nữ. Ngoài ra tác phẩm còn chuyên chở nhiều giá trị văn hóa, nhà văn đã ghi nhận tỉ mỉ với sự trân trọng và niềm thích thú cách sinh hoạt và lời ăn tiếng nói đậm bản sắc riêng của người Nam Bộ lúc bấy giờ.

Bi kịch tình yêu hay bi kịch cuộc dạt trôi

Đò dọc hiện ra dưới ngòi bút mô tả rất thực và đời của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Cái không khí miền quê buồn tẻ, bằng phẳng được lột tả sinh động, với những cơn mưa xóa mờ tất cả, với tiếng côn trùng, ễnh ương kêu, với những công việc ruộng vườn quanh quẩn. Sự hiu hắt ấy được nhà văn mô tả: “Con đường Thiên Lý nối lại nhiều nơi xa xôi, nối lại những tấm lòng từ chân trời Hải Vân đến góc bể Cà Mau, con đường đưa lên đưa xuống những chàng thanh niên mà lòng còn bơ vơ chưa cặm sào nơi đâu cả, con đường thờ ơ, ấy chỉ là một chuyến đò dọc thôi. Khách qua đò không bao giờ ghé bến hết. Không, không làm sao mà một chàng trai nào bỗng dưng ghé lại xóm nầy”.

Cái nơi chốn ấy càng đặc biệt tai hại với bốn cô con gái đang tuổi lấy chồng. “Bốn cô tủi thân quá, nghe như mình bị cả thế gian bỏ quên. Thế gian cứ vui chơi, thương yêu không biết rằng nơi một xó quê kia có những người còn trẻ, còn ham vui đang vào tuổi thương yêu bỗng vì gia thế phải lùi về ở ẩn như một công chức mãn kỳ phục vụ, và không biết bao giờ ra khỏi chốn nầy”. Đến bà Nam Thành cũng sớm nhận ra: “Ở đây không phải chỗ của chúng nó. Chỗ của chúng phải vui tươi trẻ trung, sinh động hơn cái không khí ủ rũ nầy”.

4f2c317a21738e2dd762.jpg
Tác phẩm Đò dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc (NXB Trẻ, 4.2024)

Lạc lõng, không bạn bè, khi gia đình tình cờ cứu được chàng họa sĩ tên Long bị tai nạn xe và để chàng dưỡng thương tại nhà, các cô gái đã trót cùng nhau trao tấm lòng cho người duy nhất. Giữa sự nóng ruột muốn gả con của ông bà Nam Thành, những yêu thương bồng bột của tuổi trẻ, chuyện éo le lên đến đỉnh điểm, xảy ra những đố kỵ, tranh giành khi “nhơn dục làm loạn tâm”.

Bi kịch đó khiến người ta đau xót, vì nhà văn Bình Nguyên Lộc rất khéo dụng tâm mô tả sự gắn bó và yêu thương nhau của gia đình này. Ngòi bút kể chuyện tự nhiên của ông gợi nhớ đến không khí gia đình của những tác phẩm kinh điển như Little Women (Những người phụ nữ bé nhỏ) của Louisa May Alcott. Bốn cô con gái được xây dựng với những cá tính rõ nét, nhưng ai cũng yêu thương nhau, có gia giáo, đều duyên dáng theo cách của riêng họ. May thay, những điều đẹp đẽ vẫn lấp lánh trong trang văn của nhà văn bậc thầy, và mối trân trọng tình cảm gia đình cuối cùng đã hóa giải tất cả.

Bi kịch của gia đình ông bà Nam Thành phản ánh bối cảnh xã hội lúc bấy giờ với các cuộc di dân do biến động thời cuộc, với sự khó hòa nhập giữa kẻ chợ và dân quê. Sự lạc lõng, cô đơn của gia đình ông Nam Thành là sự cô đơn chung của phận người trôi dạt, chưa kịp neo đậu lâu ở bến nào. Ngòi bút tài năng của Bình Nguyên Lộc đã khắc họa tinh tế những mâu thuẫn ngầm đó, phác nên một bức tranh hiện thực sinh động và rung động.

Cách nhìn về người phụ nữ: Chữ “thương” đi cùng niềm trân trọng

Viết về một xã hội buổi giao thời, khi cái hiện đại vừa chớm lan tỏa từ thành thị đến thôn quê, nhà văn Bình Nguyên Lộc có cách nhìn rất nhân văn khi nói lên những thay đổi trong quan niệm của người đương thời về hôn nhân và người phụ nữ. Điều này càng được thể hiện rõ khi nhân vật trung tâm là một gia đình có tới bốn cô con gái (chỉ có con gái).

Chữ “nữ quyền” đã được đề cập đến. Khi nghe câu chuyện về vị hôn phu gửi “tối hậu thơ” đe dọa sẽ từ hôn nếu cô hôn thê chọn đóng phim, các cô con gái đã có thể nói họ chọn đóng phim. Cô con gái lớn của gia đình đã quá lứa lỡ thì, dẫu cam chịu và lặng lẽ nhưng không bị hề bị bạc đãi.

Cái nhìn trân trọng người phụ nữ và thông cảm cho số phận của họ đặc biệt được thể hiện rõ ở góc nhìn của Long, người họa sĩ mà các cô gái trót thương yêu. Trước cảnh cô em gái út được hỏi cưới, chàng thông cảm cho phản ứng đùa giỡn, muốn chống lại mà không chống được, của các cô gái: “Phản ứng ấy là sự công phẫn của họ đối với trò xem mặt “các chú lái đi coi heo”. Thân người con gái sao mà như món hàng để bán. Mỗi lần có khách muốn mua, món hàng được bày ra dưới đủ khía cạnh. Người ta xem phía trước, người ta ngắm phía sau, người ta xét tướng đi, người ta thử nghe giọng nói. Chắc hẳn người ta chê khen trong bụng, có người lại nghĩ thầm “hàng chỉ xoàng thôi, nhưng nếu được giá hời thì cũng mua”.

Khi biết các cô gái trót mang lòng yêu thương mình, chàng không coi thường, chỉ thấy “thương” và “tội”, bởi các cô quá hiền lành. Đặc biệt, khi biết chuyện người con gái mà chàng để tâm đã “lầm lỡ” một lần, chàng cũng không khinh thường hay trách cứ, mà dễ dàng đón nhận.

28680aa3467de923b06c.jpg
Một số tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc đã có cái nhìn rất nhân văn về người phụ nữ. Đối với các cô gái dù quá lứa lỡ thì, dù bồng bột trong chuyện tình yêu, thì cảm nhận toát lên giữa những dòng văn của ông là một chữ “thương”. Cha mẹ thương các cô, bạn bè và chàng họa sĩ thương các cô, chính các cô cũng rất mực thương nhau. Tình bạn và tình chị em ấm áp giữa những người phụ nữ, nhất là trên trang viết của một người khác phái, là điều không thường thấy ngày trước, thể hiện cách nhìn tiến bộ của Bình Nguyên Lộc.

Miền văn hóa Nam Bộ trong văn Bình Nguyên Lộc

Là nhà văn hóa, Bình Nguyên Lộc mô tả khung cảnh đời sống của người dân Nam Bộ với sự tỉ mỉ, hứng thú và tái hiện chúng rất sinh động, rất đời.

Căn nhà của gia đình ông bà Nam Thành toát lên vẻ truyền thống với những “lọ sành Lái Thiêu”, “vách trỉ long mốt”, “mâm gỗ mít tròn”, phên tre. Bạn đọc sẽ thích thú khi bắt gặp những dụng cụ xưa, vừa quen vừa lạ, như đèn măng sông, cần vọt, cái lu, con vịt sứ trắng cho người bệnh uống nước, máy chiếu phim; hay những loại cây cỏ trong cảnh thiên nhiên ở vùng quê như trái lồng mứt, cỏ bù xít…

Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến ngôn ngữ của Đò dọc. Như những tác phẩm của Sơn Nam, Vương Hồng Sển, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc cũng là một kho tàng lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam Bộ. Bạn đọc yêu ngôn ngữ và muốn tìm hiểu cách nói của dân tộc mình ở những giai đoạn khác nhau sẽ rất thích cuốn sách này, bởi vì chính Bình Nguyên Lộc, cũng như các bạn, là người rất yêu ngôn ngữ.

Trong tác phẩm, nhiều lần nhà văn đưa ra những bình luận và nhận xét thú vị về các tên gọi và cách dùng từ của người miền Nam. Các đoạn văn dưới đây là một số ví dụ: “Người miền Nam ta có nhiều lối đặt tên con rất ngộ nghĩnh. Có lối đặt liền với tên cha...".

Đò dọc không chỉ chở những phận người ngược xuôi, còn chở cả một miền văn hóa đáng yêu đáng nhớ. Đây là một tác phẩm xưa có giá trị hiện thực, giá trị nhân văn và giá trị văn hóa sâu sắc, được viết bằng một bút pháp tinh tế và duyên dáng, xứng đáng có mặt trên kệ sách của những người yêu văn hóa - văn chương.

Bài liên quan
Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc tái ngộ bạn đọc
Các truyện ngắn đăng trên tạp chí "Hương quê" của nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc sắp người yêu văn chương thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đò dọc' - Chở người ngược xuôi, chở miền văn hóa