Giá vàng nhẫn liên tục tăng trong mỗi phiên giao dịch gần đây đã giúp mặt hàng kim loại quý này chạm đỉnh cao mới.
Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, đến cuối ngày 17.2, giá vàng nhẫn trong nước đã thiết lập mức giá cao mới. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17.2, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 64,88 - 65,98 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đây là doanh nghiệp niêm yết giá vàng nhẫn cao nhất thị trường hiện nay.
Đáng chú ý, trong ngày đã có lúc mặt hàng vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu chạm mốc 66 triệu đồng/lượng, xác lập đỉnh giá mới mà vàng nhẫn ghi nhận được từ trước đến nay.
Còn tại các doanh nghiệp khác, giá giao dịch vàng nhẫn 24K đóng cửa phiên hôm nay hầu hết cũng ghi nhận xu hướng tăng. Trong đó, vùng giá bán ra chủ yếu quanh ngưỡng 64,5 - 65,65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa chiều mua và bán trong khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn 9999 loại từ 1 - 5 chỉ của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang tạm giao dịch ở mức 63,65 - 64,85 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng chiều mua và 250.000 đồng chiều bán so với kết phiên hôm qua.
Tương tự, giá vàng nhẫn 24K của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện cố định ở mức 63,35 - 64,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng so với phiên liền trước.
Vào ngày vía Thần Tài, người ta thường chọn mua vàng nhẫn do có giá phải chăng và mệnh giá nhỏ, phù hợp với hoạt động mua vào lấy may, trong khi vàng miếng có mệnh giá cao hơn, đòi hỏi người mua có tài chính lớn hơn. Chính vì vậy, giá vàng nhẫn thường tăng cao ở chiều mua trong dịp này. Hơn nữa, vàng nhẫn được ưa chuộng do năm 2023, trong khi giá vàng miếng chỉ tăng 15% thì giá vàng nhẫn tăng tới 20%, một mức sinh lời rất hấp dẫn.
Năm nay, ngày vía Thần Tài sẽ là thứ hai đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (19.2). Theo phong tục, vào ngày vía Thần Tài, nhiều người sẽ làm lễ để đón thần tài về công ty, địa điểm kinh doanh hoặc nơi làm việc. Người Việt cũng có một thói quen trở thành phong tục là đi mua vàng vào ngày lễ Thần Tài để lấy may. Vàng được mua vào dịp này có rất nhiều loại để cân nhắc có thể là nhẫn vàng, vàng trang sức, vàng chỉ, vàng miếng... Sản phẩm vàng nhẫn cũng là lựa chọn ưu tiên hơn của nhiều người khi giá vàng miếng đang ở mức cao ngất ngưởng. Đối với doanh nghiệp vàng, đây cũng là một trong những dịp kinh doanh chủ yếu của năm.
Tương tự, sản phẩm vàng miếng SJC cũng ghi nhận khoảng chênh lệch lớn hơn giữa giá mua và giá bán, lên 2,5 triệu đồng/lượng ở khá nhiều hãng vàng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC) niêm yết giá bán ra với vàng miếng là 78,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua vào giảm còn 76,1 triệu đồng. Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 76,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,55 triệu đồng/lượng (bán ra)...
Giá vàng miếng SJC đã xác lập kỷ lục mới đầu năm khi vọt lên 79 triệu đồng/lượng cuối ngày 16.2, nhưng cũng nhanh chóng điều chỉnh sau đó. Nhu cầu mua vàng được dự báo sẽ tăng cao trong ngày vía Thần Tài đầu tuần tới, đặc biệt là vàng nhẫn. Tuy nhiên, giá vàng có thể chịu tác động đáng kể trong dịp này do bối cảnh nguồn cung vàng hạn chế khi nhiều năm qua không được bổ sung nhập mới, còn nhu cầu đã tăng mạnh các tháng cuối năm trước xu hướng tăng mạnh của vàng thế giới.
Tuy vậy, việc quản lý thị trường vàng trong nước cũng là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong Chỉ thị số 06 mới đây về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại Chỉ thị 06, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024.