“Nếu như những doanh nhân tài giỏi, thành đạt chỉ im lặng kiếm tiền thì đó là thiệt thòi lớn của thanh niên Việt Nam”, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam nói.
Staup sẽ là số 1
Tại cuộc họp báo Shark Tank 4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế rất bổ ích, không chỉ cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ mà còn cho các bạn thanh niên, sinh viên đang mong muốn và dự định khởi nghiệp trong tương lai.
Theo đó, những kiến thức thu nhận được từ chương trình giúp nuôi dưỡng khát vọng khởi sự kinh doanh của các bạn thanh niên. Chương trình cũng mang lại kinh nghiệm quý giá qua kinh nghiệm, sự chia sẻ của các Shark.
Bà Lê Hạnh – Giám đốc Sản xuất Shark Tank Việt Nam cho biết, Shark Tank phải tạm ngừng một năm vì dịch COVID-19, nhưng sự kiện Shark Tank Forum được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 26.11.2020 diễn ra thành công ngoài mong đợi với sự tham dự của 1.300 startup. Đó chính là động lực rất lớn khiến ban tổ chức quyết tâm phải đưa Shark Tank mùa 4 nhanh chóng trở lại.
Bà Lê Hạnh tiết lộ, ngay khi bà mở lời mời Shark Phú, ông đã khéo léo từ chối vì bận việc. Rút kinh nghiệm từ “giao dịch” thất bại đầu tiên, bà cùng đạo diễn Nguyễn Nam đích thân đến gặp Shark Việt để mời ông, nhưng Shark Việt do dự một lúc rồi lại hẹn “trả lời sau”. May mắn đến với ekip khi vị “cá mập” ở tận bên Đức là Shark Liên lại bất ngờ nhận lời trở về Việt Nam để tham dự ngay lập tức.
“Tôi nghĩ rằng, các doanh nhân có nhiều lý do để do dự. Lên Shark Tank lại có thêm một nỗi lo nếu trở thành người của công chúng thì những vấn đề cá nhân hay doanh nghiệp đều dễ bị lên báo. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu như ở một xã hội mà những doanh nhân tài giỏi, thành đạt chỉ im lặng kiếm tiền thì đó là một thiệt thòi lớn của thanh niên Việt Nam”, bà nói.
Cũng theo bà Hạnh, năm đầu tiên, chúng tôi có khát vọng Shark Tank sẽ trở thành một chương trình về khởi nghiệp số 1 Việt Nam. Nhưng mùa này, chúng tôi chỉ mong chương trình là số 2, bởi vì các bạn startup sẽ là số một. Khi tham gia chương trình, các bạn có bệ phóng là Shark Tank, sự đồng hành của các Shark sẽ tạo cho các bạn động lực để bứt phá, trở thành người số 1 trong lĩnh vực của mình”, bà nói.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu
Bà Lê Hạnh cho rằng chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là vừa và nhỏ. Vì vậy mùa này, Shark Tank sẽ khởi động và lan tỏa thông điệp xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số cho người Việt.
Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) - Chủ tịch tập đoàn NextTech chia sẻ, trước thực trạng cộng đồng doanh nghiệp vừa & nhỏ, và siêu nhỏ (Micro-SME) tuy chiếm đến 96.7% số lượng, đóng góp 40% GDP và giải quyết 60% việc làm nhưng lại chưa thật sự bước vào quá trình chuyển đổi số do ít kinh phí và bị phân mảnh, NextTech mong muốn hỗ trợ các startup công nghệ gọi vốn trong chương trình, tham gia vào sứ mệnh chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Shark Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ, chuyển đổi số không có gì quá đáng sợ như mọi người vẫn nói.
“Tôi là một người phụ nữ cực kỳ liều. Vào năm 2004, lúc bấy giờ tôi vẫn chưa hiểu công nghệ là gì nhưng tôi đã dám bỏ ra 5 triệu đô để mua phần mềm về quản trị cho doanh nghiệp của tôi trong lĩnh vực bảo hiểm. Lúc bấy giờ tôi chỉ nghĩ rằng, nếu có công nghệ, sẽ giúp tôi quản trị doanh nghiệp được tốt hơn. Vì tôi muốn bảo hiểm đến được với tất cả toàn dân Việt Nam.
Từ chữ ký số, chuyển tiền số, bồi thường số, giám định số… và hoàn toàn thoát khỏi giấy tờ truyền thống. Các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng đó là điều gì đó rất đáng sợ, mà hãy nghĩ rằng đó là công cụ giúp chúng ta quản trị một cách tốt hơn, giúp chúng ta nâng cao dịch vụ một cách tốt nhất. Không có gì đơn giản cả, nhưng nếu các bạn chú tâm, tôi nghĩ các bạn sẽ làm được điều đó”, bà Liên nói.
Quan tâm đến các dự án môi trường, xã hội
Về khẩu vị đầu tư của các Shark trong Shark Tank 4, Shark Phạm Thanh Hưng (Cen Land) quan tâm đến startup ở các ngành khác có mô hình kinh doanh độc, lạ, sáng tạo.
Shark Liên quan tâm đặc biệt và ưu tiên những dự án về môi trường, nước sạch, rác thải và sức khỏe cộng đồng. Bà sẽ ưu tiên cho những dự án nằm trong nhóm ý tưởng này. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ dành nhiều sự quan tâm cho các startup công nghệ vì chuyển hóa số là xu hướng tất yếu của tương lai.
Còn Shark Đỗ Xuân Phú (Sunhose) hy vọng các bạn startup khi khởi nghiệp phải nắm rõ được bức tranh tài chính. Ví dụ muốn đủ tiền để duy trì trước khi có lời hay trước khi gọi được vốn mới thì phải làm thế nào để chia ra để sống.
“Đó là điều vô cùng then chốt và đó cũng là một bài học mà gần như tất cả các doanh nghiệp tôi từng đầu tư trước đây, gần 90% thất bại là vì những điều đó. Vì vậy tôi hy vọng các bạn startup phải nắm được dữ liệu tài chính một cách chính xác tại mọi thời điểm. Đó là một trong những khẩu vị đầu tư của tôi”, ông Phú nói.
Shark Shark Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) chia sẻ, các nhà đầu tư mới bây giờ họ đều rất quan tâm đến vấn đề môi trường, xã hội và quản trị kinh doanh (ESG).
“Tại sao tất cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều phải quan tâm đến vấn đề này? Một nhà đầu tư khi thẩm định sẽ nhìn vào báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh nhưng nếu một công ty mà chúng tôi đầu tư lại tìm ẩn yếu tố gây tiêu cực đến môi trường, ô nhiễm môi trường… thì chuyện gì sẽ xảy ra với cổ đông và khách hàng?
Về xã hội, nếu như công ty không tuân theo pháp lý quốc tế hay của nhà nước thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tất cả những vấn đề đó đều sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cuối cùng về quản trị kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư và cổ đông, và trong đó cũng nói về vấn đề hội đồng quản trị độc lập, kiểm toán độc lập, có minh bạch hay không”, Shark Louis nói.
Khẩu vị của Shark Bình năm nay là 2 đối tượng: Startup truyền thống biết sử dụng công nghệ, tối ưu hoạt động để tăng trưởng trên quy mô lớn và nhanh; Startup công nghệ chuyển đổi số giải được bài toán về thị trường và bán hàng.
Đến với Shark Tank mùa 4, ngoài “tìm long mạch”, Shark Bình sẽ giúp các startup “đón gió đông” – “ đó là hệ sinh thái làm bệ phóng cho các startup nhanh chóng đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường và tăng trưởng với quy mô lớn hơn. NextTech sẽ là gió đông cho các startup” – Shark Bình chia sẻ.
Định giá doanh nghiệp thế nào khi gọi vốn?
Shark Hưng cho hay việc định giá phụ thuộc vào mục đích của người trả giá cũng như kỳ vọng của người ra giá. Có rất nhiều cách để định giá nhưng cái quan trọng nhất của định giá là cần tìm người nhìn ra giá trị của bạn.
Shark Phú thì cho rằng chủ nghĩa tư bản định giá, giá cả biến động theo cung cầu. Quan điểm của tôi là giá do người bán ra, còn trả bao nhiêu là người mua tự quyết định. Câu chuyện về giá là câu chuyện muôn thuở và cực kì khó. Thậm chí trên thế giới có 5 - 7 phương pháp để định giá, nhưng thật ra cũng chỉ để tham khảo thế thôi vì định giá thì mỗi người một kiểu. Quan trọng ở người mua, người ta thích mua thì người ta sẽ ra giá phù hợp.
Shark Bình thì khuyên các startup nên đi theo trường phái Maslow. Ai cũng biết tháp nhu cầu Maslow về nhu cầu của con người, thì trong doanh nghiệp cũng có tháp nhu cầu Maslow của doanh nghiệp.
Đầu tiên, tầng quan trọng nhất đó là tầng doanh thu. Tầng thứ hai là phải có lợi nhuận. Tầng thứ ba phải có tổ chức. Sau đó là tầng tạo ra ảnh hưởng xã hội. Và cuối cùng tầng đỉnh chóp doanh nghiệp mà các đại công ty đang hướng đến đó là di sản cho nhân loại.
100 staup thành công được 5 là xuất sắc
Theo Shark Phú, trong 100 startup thì khả năng thành công được 5 vụ đã là xuất sắc. Nhưng đầu tư là như vậy, có thể thất bại trong 9 vụ, chỉ cần 1 vụ thành công thôi cũng là thành công. “Tôi tin chắc rằng tỷ lệ đầu tư của Shark Tank Việt Nam còn cao hơn Shark Tank Mỹ”.
Shark Bình thì chia sẻ rằng đời startup thất bại là chính, mất tiền là chủ yếu, hãy làm quen với điều đó. Và đó chính là lý do vì sao mà các quỹ đầu tư mạo hiểm khi đầu tư bao giờ họ cũng chỉ quan tâm đến tiềm năng đem lại lợi nhuận siêu lớn, và chấp nhận khả năng rủi ro rất cao. Với lý do đó, nên các nhà đầu tư luôn tìm kiếm 2 yếu tố. Một, yếu tố con người quan trọng nhất. Hai là thị trường, sản phẩm phải có tiềm năng tăng trưởng rất cao.