Như vậy, sau nhiều đợi chờ, phương án tuyển sinh đại học năm 2014 đã dần đến hồi chung kết: bãi bỏ quy định về điểm sàn, kết quả 3 năm học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (rút gọn còn 4 môn so với 6 môn trước kia) có thể được dùng làm căn cứ để xét tuyển và sẽ có tối đa 31 trường (chiếm 7.4 % trên tổng số 421 trường ĐH, CĐ trong cả nước) sử dụng phương án tuyển sinh riêng.

Đổi mới tuyển sinh: Bộ GD-ĐT chỉ nên đóng vai ‘thái thượng hoàng’

Một Thế Giới | 27/02/2014, 18:30

Như vậy, sau nhiều đợi chờ, phương án tuyển sinh đại học năm 2014 đã dần đến hồi chung kết: bãi bỏ quy định về điểm sàn, kết quả 3 năm học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (rút gọn còn 4 môn so với 6 môn trước kia) có thể được dùng làm căn cứ để xét tuyển và sẽ có tối đa 31 trường (chiếm 7.4 % trên tổng số 421 trường ĐH, CĐ trong cả nước) sử dụng phương án tuyển sinh riêng.

Qua quan sát phản ứng của các bên liên quan trong những ngày qua, chúng ta có thể thấy vẫn còn một số vấn đề khiến dư luận băn khoăn, cụ thể như:

- Liệu việc bỏ điểm sàn có dẫn đến việc suy giảm chất lượng đào tạo?

- Việc chấp nhận sử dụng kết quả học tập 3 năm phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển liệu có đáng tin cậy và chính xác?

Bài viết này xin được góp ý kiến thảo luận về những vấn đề nêu trên, đồng thời gợi ý một số giải pháp cho việc tuyển sinh đại học từ nay đến 2016, thời điểm theo dự kiến, kỳ thi “3 chung” sẽ được xoá sổ hoàn toàn.

Vấn đề điểm sàn

Có lẽ đây là quyết định nhận được số đông ủng hộ nhiều nhất. Từ lâu, các trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập đã nhiều lần kiến nghị Bộ bỏ quy chế điểm sàn. Ngay từ tháng 1, trong một bài viết cho báo Tuổi trẻ, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng lên tiếng ủng hộ bỏ điểm sàn[1].

Theo GS Thiệp, “điểm sàn” hợp lý nhất chính là việc thí sinh đã tốt nghiệp kỳ thi trung học phổ thông, vì vậy, không cần phải có một “điểm sàn” thứ 2 là tổng điểm 3 môn tối thiểu như cách Bộ vẫn làm trong những năm qua.

Trước đây, nhiều người còn nghi ngại với tình trạng “lạm phát điểm” tràn lan, kỳ thi tốt nghiệp THPT khó có thể coi là một căn cứ tin cậy để làm “điểm sàn”. Tuy vậy, trong bối cảnh mới, việc kết quả thi tốt nghiệp THPT bắt đầu có thể dụng làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ chắc chắn sẽ buộc Bộ và các Sở GD-ĐT phải nghiêm túc hơn trong việc tổ chức kỳ thi này.

Bên cạnh đó, nếu không dùng “điểm sàn”, Bộ vẫn còn nhiều công cụ khác hỗ trợ cho công tác đảm bảo chất lượng đào tạo tại các trường, chẳng hạn như kiểm định chất lượng, quota tuyển sinh hay 3 công khai.

Hơn nữa, nếu một số trường vẫn muốn kiểm soát đầu vào, họ vẫn có thể đặt riêng một mức điểm sàn cho riêng trường mình, hoặc thậm chí cho riêng một khối ngành hay một số mã ngành nhất định tương tự như cách ĐHQG Hà Nội vẫn làm trong những năm qua (luôn đặt điểm sàn cao hơn điểm sàn của Bộ từ 1 đến 2 điểm).

Rõ ràng, trong nền giáo dục đại học đang chuyển từ tinh hoa (cho số nhỏ) sang đại chúng (cho số đông), việc siết chặt đầu vào đã và sẽ không còn phát huy hiệu quả bằng việc đầu tư, hỗ trợ và giám sát đầu ra của sinh viên.

Vấn đề chấp nhận xét tuyển dựa trên kết quả học tập và điểm thi tốt nghiệp

Đây thực sự là một vấn đề tiềm ẩn nhiều hệ quả âm tính dẫn đến việc không đánh giá chính xác, tin cậy và khách quan trình độ của ứng viên.

Qua thông tin công bố trên báo chí, trừ một vài trường hợp đặc biệt là các trường nghệ thuật sử dụng môn năng khiếu, tất cả còn lại nộp đề án tuyển sinh riêng năm nay đều chỉ sử dụng kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp hoặc kết hợp cả hai làm căn cứ xét tuyển.

Không một trường nào, kể cả 2 ĐHQG đề xuất được phương án kiểm tra đánh giá mới, hiện đại theo hướng chuyển từ đánh giá kiến thức, thuộc bài sang đánh giá năng lực.

Trong năm 2014 tới đây, ĐHQG TP.HCM vẫn áp dụng thi “3 chung” còn ĐHQG Hà Nội mới chỉ dừng lại ở mức áp dụng cách kiểm tra, đánh giá mới để chọn học sinh vào các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, tài năng.

Nếu như chúng ta có thể tạm tin tưởng vào độ tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp mà Bộ sẽ tổ chức vào tháng 6 tới đây như đã phân tích ở trên; việc cho phép sử dụng kết quả học tập làm căn cứ đánh giá thực sự tiềm ẩn nhiều vấn đề có thể dẫn đến thiếu khách quan, chính xác, thậm chí phát sinh tiêu cực, tham nhũng khi mà Bộ chắc chắn không thể kiểm soát được hết việc từng giáo viên cho điểm học sinh như thế nào tại hàng nghìn trường phổ thông trên khắp cả nước.

Đã đến lúc “3 chung” hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Rõ ràng, việc chỉ có 31 trường áp đề xuất phương án xét tuyển riêng, lại chủ yếu dựa vào kết quả học tập và điểm thi tốt nghiệp cho thấy các trường cũng chưa mặn mà, hoặc còn thiếu chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh.

Bên cạnh đó, việc này cũng cho thấy Bộ vẫn còn lúng túng trong việc chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ các trường thực sự muốn tiên phong đổi mới. Thử tưởng tượng, nếu trong năm tới, thay vì 31 mà cả 421 trường ĐH, CĐ trên cả nước đều nộp đề án tới Bộ sử dụng kết quả học tập và điểm tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển, thì vô hình chung, kỳ thi “3 chung” sẽ sớm bị “bức tử” trước một năm - một viễn cảnh nằm ngoài tính toán của Bộ.

Vậy, cần phải có những thấy định hướng thế nào để việc đổi mới tuyển sinh thực sự phát huy hiệu quả? Xin tổng kết 3 gợi ý cho Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức tuyển sinh từ năm 2015 trở đi, dựa trên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước:

Thứ nhất, trong bối cảnh cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam (mặc dù đã phát triển nhanh về số lượng trong gần 30 năm qua) mới chỉ đáp ứng được nhu cầu học đại học của hơn 20% số người ở độ tuổi 18-22, việc tổ chức thi tuyển nhằm phân loại, đánh giá ứng viên vẫn là việc làm vô cùng cần thiết.

Hơn thế nữa, để việc tổ chức kỳ thi này thực sự tin cậy, chính xác và khách quan, Bộ cần sớm thành lập những trung tâm khảo thí độc lập và giao toàn quyền công tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ứng viên theo tương tự như các trung tâm tổ chức SAT ở Mỹ, có vai trò tương tự như 2 trung tâm kiểm định chất lượng tại 2 ĐHQG mà Bộ mới thành lập (đối với công tác kiểm định chất lượng).

Chỉ có những trung tâm như vậy mới có đủ chuyên môn và năng lực để đáp ứng nhu cầu đầu vào đa dạng của các trường và phản ứng nhanh với những thay đổi bất thường từ thực tế tuyển sinh. Nhận định này cũng trùng với ý kiến của GS Mai Trọng Nhuận trong một bài phỏng vấn gần đây trên báo Tiền Phong.[2]

Thứ hai, việc xem xét có nên hợp nhất hay không 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta đơn giản chỉ cần so sánh sự tương quan giữa điểm thi đại học và thi tốt nghiệp của học sinh trong hơn 10 năm kể từ khi “3 chung” bắt đầu được triển khai.

Việc này là không khó đối với các nhà thống kê học nếu như Bộ cho phép truy cập vào nguồn số liệu gốc. Gợi ý này được tác giả đưa ra dựa trên tham khảo ý kiến của TS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), GS về Y khoa, đồng thời cũng là một chuyên gia hàng đầu về thống kê ứng dụng.

Thứ ba, tự chủ trong tuyển sinh cần phải được hiểu là tự chủ của các trường trong việc sử dụng kết quả tuyển sinh đại học (do trung tâm độc lập tổ chức như tại khuyến gợi ý thứ 1), kết quả thi tốt nghiệp (nếu như phân tích từ gợi ý thứ 2 cho thấy kỳ thi tốt nghiệp và đại học không tương quan đáng kể với nhau), kết quả học thập (nhưng phải ở trọng số thấp hơn do tính tin cậy thấp của kết quả này như đã phân tích ở trên) và kiểm tra thêm của các trường nếu cần thiết dưới nhiều hình thức (thi, phỏng vấn, xét hồ sơ…).

Khuyến nghị này cũng tương tự với khuyến nghị của tác giả Đặng Hữu, GS Lâm Quang Thiệp và GS Mai Trọng Nhuận (xem ghi chú 1 và 2)

Tóm lại, sau 12 năm triển khai, đã đến lúc “3 chung” hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Sau hơn 2 tháng tăng tốc triển khai đổi mới tuyển sinh ngay từ năm học 2014-2015, Bộ đã cho thấy quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT nước nhà theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng; cho đến nay, đã vượt qua được những khó khăn bước đầu, tạo được đồng thuận giữa các bên liên quan tại một số điểm nhất định.

Trong thời gian tới, để thực sự có thể xây dựng được một hệ thống tuyển sinh mới vừa đảm bảo được độ tin cậy cao như ”3 chung”, lại vừa nâng cao được tính hiệu quả và chính xác, nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ cần tiếp tục “phi tập trung hoá”, trao quyền hơn nữa cho các cấp cơ sở trong việc triển khai tuyển sinh như giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho các trung tâm khảo thí độc lập; trao toàn quyền cho các trường trong việc tự xây dựng tiêu chí xét tuyển; có như vậy Bộ mới có thể dành nhiều thời gian hơn tập trung vào những việc lớn hơn mà các trường không thực hiện được không chỉ đối với tuyển sinh mà còn trong toàn bộ các mảng công việc khác của ngành GD-ĐT.

Có như vậy, Bộ mới thực sự đóng vai trò như một “thái thượng hoàng”[3], không “xắn tay” trực tiếp vào việc của các trường mà chỉ hoạch định những chương trình, chính sách lớn, hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và giám sát cho các đơn vị hoạt động và phát triển. 
Phạm Hiệp
Ảnh bìa: 

Thí sinh thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nghe phổ biến quy chế tuyển sinh năm 2013. ĐHQG TP.HCM có phương án tuyển sinh riêng, dự kiến bắt đầu thí điểm vào năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Thanh Niên



[1] Xem:Giữ thi chung, bỏ điểm sàn?

[2]Xem: Đang có cách hiểu tai hại về tự chủ tuyển sinh

[3]Tác giả mượn ý của GS Mai Trọng Nhuận phát biểu từ năm 2002 khi “3 chung” mới bắt đầu được áp dụng trên khắp cả nước. Xem: Các trường quyết định hình thức, chỉ tiêu xét tuyển

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới tuyển sinh: Bộ GD-ĐT chỉ nên đóng vai ‘thái thượng hoàng’