Nếu Donald Trump không kỳ vọng lớn vào việc xích lại gần Nga và mở lại một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất với Mỹ, thì ông sẽ không bao giờ chọn một vị ngoại trưởng có xu hướng thân Nga đến mức bị ngay cả Quốc hội Mỹ nghi ngờ.

Donald Trump chọn 'bạn của Putin' làm ngoại trưởng: Mỹ sẽ xích lại gần Nga?

Nhàn Đàm | 14/12/2016, 05:28

Nếu Donald Trump không kỳ vọng lớn vào việc xích lại gần Nga và mở lại một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất với Mỹ, thì ông sẽ không bao giờ chọn một vị ngoại trưởng có xu hướng thân Nga đến mức bị ngay cả Quốc hội Mỹ nghi ngờ.

Gây sức ép với Trung Quốc và xích lại gần hơn với Nga có vẻ như đang là những gì mà tân tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump muốn thực hiện. Tối ngày 12.12, báo New York Times dẫn hai nguồn tin thân cận với ông Trump cho biết, tân tổng thống Mỹ đã chọn ông Rex Tillerson, tổng giám đốc điều hành (CEO) hãng dầu khí Exxon Mobil vào vị trí ngoại trưởng trong chính phủ của mình. Là một người có quan hệ tốt với Nga cả về phía chính phủ của tổng thống Vladimir Putin lẫn về kinh tế khi Exxon Mobil hiện là một trong những đối tác hàng đầu của gã khổng lồ dầu khí Nga Rosneft, Tillerson được kỳ vọng sẽ làm tan băng và thu hẹp đáng kể mối quan hệ Mỹ-Nga đang khá căng thẳng hiện nay. Không khó để nhận ra rằng, nếu Donald Trump không kỳ vọng lớn vào việc xích lại gần Nga và mở lại một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất với Mỹ, thì ông sẽ không bao giờ chọn một vị ngoại trưởng có xu hướng thân Nga đến mức bị ngay cả Quốc hội Mỹ nghi ngờ.

Nếu phải chọn ra một đặc điểm đáng chú ý nhất của Rex Tillerson, người nhiều khả năng sẽ được Donald Trump chính thức chọn là ngoại trưởng mới của Mỹ, thì hẳn đó là mối liên hệ mật thiết với nước Nga, cả về chính trị lẫn kinh tế. Mối quan hệ với xứ sở bạch dương của ông Tillerson tốt đến nỗi, có không ít nghị sĩ Quốc hội Mỹ gọi ông là kẻ thân Nga. Đó là kết quả của khoảng 4 thập kỷ làm việc tại hãng Exxon Mobil, nơi Rex Tillerson chịu trách nhiệm thiết lập các thỏa thuận khai thác dầu khí tại những khu vực còn bất ổn trên thế giới, đặc biệt là tại Nga. Tillerson chính là người đứng sau sự hồi sinh của dự án dầu khí Sakhalin 1 được khởi động từ giữa những năm 90 nhưng bị đình trệ do chính phủ Nga không tin tưởng vào khả năng thành công của dự án. Tillerson cũng là người thiết lập sự hợp tác ngày càng trở nên mật thiết hơn giữa Exxon Mobil với gã khổng lồ dầu khí Rosneft của Nga. Sự hợp tác này cũng dẫn đến mối quan hệ giữa Tillerson và tổng thống Nga Vladimir Putin, khi CEO Rosneft là Igor Sechin là một trong những người thân cận nhất của ông Putin.

Tất cả những điều này dẫn tới việc, Rex Tillerson có lẽ là người Mỹ có ảnh hưởng nhất đối với Nga ở thời điểm hiện tại. Trong khoảng thời gian Tillerson giữ vị trí CEO của Exxon Mobil, hãng này đã sở hữu quyền khoan tìm dầu trên diện tích hàng chục triệu mẫu tại Nga, lớn hơn nhiều so với tại Mỹ. Tillerson cũng là một trong những người Mỹ hiếm hoi được tổng thống Putin trao huy chương Hữu Nghị vào năm 2013 – một sự công nhận danh dự cấp cao của nhà nước Nga dành cho công dân nước ngoài. Bản thân Tillerson cũng là một trong số ít người công khai phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế mà chính phủ của tổng thống Barack Obama áp đặt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea, sự kiện đã khiến một dự án lớn tại Bắc Cực giữa Exxon và Rosneft sụp đổ. Ngoài ra, Tillerson là một trong số ít các CEO hàng đầu của Mỹ tham dự Diễn đàn kinh tế St.Petersburg tại Nga, thậm chí lên tiếng chỉ trích công khai chính phủ Mỹ khiến Bộ Ngoại giao nước này bắt đầu thấy khó chịu.

Vì thế, dễ hiểu vì sao khi Rex Tillerson không nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nghị sĩ Mỹ trong việc được đề cử để trở thành tân ngoại trưởng. Điển hình là hai thượng nghị sĩ John McCain và Marco Rubio, khi hai ông này đều đặt dấu hỏi về mối quan hệ cá nhân giữa Tillerson và tổng thống Nga Putin. Trên mạng xã hội Twitter, ông Rubio viết: “Là bạn của Putin thì không phải là một đặc điểm mà tôi kỳ vọng từ một vị Ngoại trưởng Mỹ”. Trong khi đó, giới lập pháp Mỹ cũng đang xem xét các báo cáo tình báo cho rằng Nga can thiệp vào quá trình bầu cử Mỹ để giúp ông Trump, đồng nghĩa với việc mối quan hệ cá nhân với tổng thống Putin của ông Tillerson sẽ không bị bỏ qua.

Bất chấp tất cả những trở ngại đó, Donald Trump đang chứng tỏ rằng ông có lý do để chọn Rex Tillerson làm ngoại trưởng trong chính phủ của mình. Trong bài trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News vào ngày Chủ Nhật, ông Trump nói rõ sẽ không ngại bảo vệ mối quan hệ của Tillerson với Nga, đồng thời gọi các mối quan hệ toàn cầu của vị CEO Exxon Mobil là một lợi thế: “Đối với tôi, một lợi thế lớn là ông ấy biết nhiều hơn người chơi khác. Ông ấy hiểu rõ về họ. Ông ấy có nhiều thỏa thuận lớn tại Nga. Ông ấy có những thỏa thuận lớn cho công ty, không phải cho bản thân ông ấy mà là cho công ty”. Rõ ràng là Donald Trump không hề có ý định từ bỏ đưa một số doanh nhân thành đạt tương tự ông lên nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ như đã không ít lần tuyên bố trước đây.

Dĩ nhiên, không cần phải là một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế cũng có thể nhận ra rằng, chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump sẽ có một cách tiếp cận mới với nước Nga theo hướng tích cực hơn, khi một người có quan hệ tốt với Nga như ông Tillerson được giữ chức Ngoại trưởng. Việc xích lại và tan băng mối quan hệ với Nga có thể giúp Mỹ giải quyết một loạt các vấn đề đang gây đau đầu, từ cuộc xung đột ở Syria, cuộc chiến chống IS cho đến an ninh ở châu Âu và NATO. Ngoài ra, sự cải thiện quan hệ với Nga cũng có thể gây sức ép lên Trung Quốc nhất là khi ông Trump đang muốn Bắc Kinh phải nhượng bộ trên lĩnh vực thương mại. Và cũng không thể quên những lợi ích kinh tế mà sự hòa giải Nga-Mỹ đem lại, khi Nga vẫn là một trong những thị trường tiềm năng nhất với các doanh nghiệp Mỹ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Vneconomy, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Donald Trump chọn 'bạn của Putin' làm ngoại trưởng: Mỹ sẽ xích lại gần Nga?