Tỉnh Đồng Nai đã tính toán đến việc nới lỏng hoạt động phong tỏa một cách phù hợp nhất đến tận tổ, khu phố, ấp, chứ không phải máy móc dẫn đến phong tỏa diện rộng một cách không cần thiết, gây khó cho người dân

Đồng Nai sẽ không phong tỏa diện rộng một cách máy móc gây khó cho người dân

A.T | 17/09/2021, 15:07

Tỉnh Đồng Nai đã tính toán đến việc nới lỏng hoạt động phong tỏa một cách phù hợp nhất đến tận tổ, khu phố, ấp, chứ không phải máy móc dẫn đến phong tỏa diện rộng một cách không cần thiết, gây khó cho người dân

Sáng 17.9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp với UBND tỉnh tổ chức họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.

ct-dongnai.jpg

Hiện nay, tổng số ca dương tính với COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trên 37.000 ca, trong đó có trên 1.700 ca F0/140.308 tổng số lao động tại các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ. Tổng số ca khỏi bệnh xuất viện là gần 17,6 ngàn người, tổng số ca tử vong là 341 ca. Đồng Nai cũng đã thực hiện tiêm vắc xin cho trên 1,7 triệu người dân (chiếm tỉ lệ 74,95% đối tượng trên 18 tuổi), trong đó có 83,5 ngàn người đã tiêm đủ 2 liều.

Trải qua hơn 70 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát. Để chuẩn bị cho lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, ngày 15.9, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 11102/KH-UBND về việc từng bước hồi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn lây lan trong cộng đồng, tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình cấp độ dịch hiện nay. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm đặt nhiều câu hỏi nhất là làm sao nới lỏng các hoạt động kinh tế - xã hội nhưng an toàn, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, nhất là địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn nhiều vùng đỏ. Bên cạnh đó, báo chí còn quan tâm đến đến các chính sách của tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Sau khi nghe các sở ngành trả lời câu hỏi của các phóng viên đặt ra tại cuộc họp theo phân công của lãnh đạo UBND tỉnh, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã trả lời 12 câu hỏi để làm rõ thêm nhiều vấn đề. Trả lời về việc có hạn chế doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ hay không, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh không hạn chế doanh nghiệp đăng ký sản xuất 3 tại chỗ, nhưng doanh nghiệp phải lựa chọn các phương án tổ chức sản xuất an toàn và phù hợp do tỉnh đặt ra. Phương châm của tỉnh là công nhân ở “vùng xanh” sẽ đến nhà “máy xanh” và ngược lại để đảm bảo an toàn cho khu dân cư và cả nhà máy.

Liên quan đến câu hỏi phân chia các vùng để vừa quản lý y tế, vừa phát triển kinh tế - xã hội có phù hợp hay không, Chủ tịch Cao Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh coi nhiệm vụ khống chế dịch là tối thượng, do đó trước hết là phải bám sát các tiêu chí của Bộ Y tế, sau đó từng bước mở dần sang quản lý để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc nới lỏng phải được thực hiện nhưng sẽ rất thận trọng. Việc đưa biểu đồ dịch từ chỗ đi lên chuyển sang đi ngang và đang đi xuống là cả một nỗ lực rất lớn. Do đó, tỉnh rất mong người dân và doanh nghiệp tiếp tục chung sức để giữ cho được thành quả chống dịch”.

Trước câu hỏi của báo chí về việc, TP.Biên Hòa hiện có nhiều vùng xanh, đỏ trong một phường, xã, thì việc thực hiện nới lỏng mới như thế nào? Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã xây dựng 4 “khung”, lãnh đạo các địa phương sẽ theo đó mà xây dựng phương án cho địa bàn quản lý phù hợp. Địa phương nào khống chế dịch tốt thì “nới lỏng” nhiều hoạt động, địa phương nào chưa cho phép thì tiếp tục hạn chế.

Chủ tịch Cao Tiến Dũng chia sẻ thêm: “Tỉnh đã tính toán đến việc nới lỏng hoạt động phong tỏa một cách phù hợp nhất đến tận tổ, khu phố, ấp, chứ không phải máy móc dẫn đến phong tỏa diện rộng một cách không cần thiết, gây khó cho người dân. Tuy nhiên, việc nới lỏng sẽ rất thận trọng, không để tạo ra kẽ hở để phải chạy theo sửa sẽ làm mất thời gian và tốn kém”.

Người đứng đầu chính quyền Đồng Nai cũng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất 3 tại chỗ, tỉnh sẽ tính toán để đưa các chi phí phòng, chống dịch của doanh nghiệp vào hạch toán để tính thuế, vì các hoạt động này chi rất lớn và tốn kém. Đối với các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp, tỉnh sẽ bám sát vào các định hướng chính sách chung của Chính phủ.

Ông Cao Tiến Dũng cho biết thêm, hiện nay tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã giảm và đang có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên tỉnh cũng luôn đề phòng với kịch bản dịch sẽ bùng phát trở lại. Trong tình huống này, thì giải pháp y tế sẽ là quan trọng nhất để khống chế dịch. Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, để tiếp tục triển khai chống dịch hiệu quả, nhất là chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi kinh tế, ngay trong chiều 17.9, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM… sẽ họp để bàn về phối hợp trong tổ chức hoạt động giao thông vận tải, thống nhất triển khai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Nai sẽ không phong tỏa diện rộng một cách máy móc gây khó cho người dân