Những ngày đầu xuân, dòng người dân tấp nập đổ về chùa Hương để cầu bình an, may mắn...
Ngày 15.2 (mùng 6 tháng giêng) hàng vạn người đã đổ về dự lễ khai hội chùa Hương (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) để trẩy hội, cầu một năm nhiều sức khỏe, bình an.
Lễ hội chùa Hương 2024 diễn ra trong 3 tháng đầu năm âm lịch với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện" nhằm khẳng định giá trị văn hóa lễ hội chùa Hương và phát huy giá trị quần thể khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt. Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm 2024 là Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện.
Theo đại diện Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, từ ngày 30 và mùng 1, 2 Tết khu di tích mở cửa miễn phí đón khoảng 30.000 người đến vãn cảnh, chiêm bái. Từ ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn (12.2), cũng là ngày đầu tiên bán vé của mùa lễ hội năm 2024, có hơn 21.000 người đến chùa Hương. Riêng ngày mùng 4 Tết đã có 56.000 lượt du khách tới chùa Hương du xuân, trẩy hội.
Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết ngày khai hội chùa Hương vào ngày khai xuân, đi làm nên lượng khách đi lễ không đông như trong Tết và ngày cuối tuần. Vì thế, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đỡ vất vả hơn.
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Bến xe có sức chứa 5.000 khách. Nếu xảy ra tình trạng quá tải, Ban Quản lý sẽ sắp xếp những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi.
Theo Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, năm nay, đơn vị đã bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát gồm khoảng 200 người, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. Đến thời điểm này, các hoạt động đón khách tại chùa Hương diễn ra thuận lợi, an toàn, ngăn nắp. Tại các khu vực bến xe, bến thuyền, đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục, kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, không có hiện tượng nâng giá, "chặt chém" du khách.
Đặc biệt, để đổi mới công tác điều hành vận chuyển khách, huyện Mỹ Đức đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự; thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo ghi nhận của PV vào 6 giờ sáng mùng 8 và 9 tháng giêng (17 và 18.2), dòng người đổ về bến Yến để đi đò vào chùa trở nên đông đúc, cao điểm nhất là từ 7 - 9 giờ hàng nghìn chiếc đò hoạt động hết công suất phục vụ nhu cầu vãn cảnh, lễ chùa đầu năm của người dân. Tại khu vực ga cáp treo đông nghịt người xếp hàng chờ lên động Hương Tích. Trong khu vực mua vé, nhà chờ, cho đến lối xếp hàng cũng trở nên đông đúc.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Thành Dương (TX.Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Năm nào ra Tết Nguyên đán, gia đình tôi cũng đi chùa Hương để vãn cảnh, du xuân, vừa cầu may mắn cho cả năm, nhưng năm nào cũng chứng kiến cảnh đông đúc cho dù gia đình tôi đi từ 3 giờ sáng, đến cửa vào chùa là 6 giờ sáng. Hầu hết người dân hành hương về khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đều đến với động Hương Tích nên càng tiến vào sát cửa động lượng người càng đông. Bên trong động Hương Tích chật kín người. Nhiều công an, dân phòng được huy động để bảo đảm an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội".
Càng về gần trưa, số lượng người dân đồ về càng đông. Ban tổ chức lễ hội ước tính năm nay lượng người đến chùa Hương vào dịp Tết Giáp Thìn tăng hơn 20% so với năm Quý Mão.
Theo Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, giá vé dịch vụ thuyền đò vận chuyển khách năm nay gồm các tuyến Hương Tích với mức giá 85.000 đồng/người cho 2 lượt; tuyến Long Vân giá 65.000 đồng/người 2 lượt; tuyến Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người 2 lượt.
Giá vé thu phí thắng cảnh năm nay là 120.000/người/lượt; vé ưu tiên: 60.000/người/lượt (giá vé trên đã có 2.000 đồng bảo hiểm).
Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách gồm: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.
Giá vé cáp treo khứ hồi: Người lớn: 220.000 đồng, trẻ em: 150.000 đồng. Một lượt: Người lớn: 150.000 đồng, trẻ em: 100.000 đồng. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng/người/lượt.
Về thời gian vận chuyển xuồng đò đưa khách tham quan lễ Phật: Từ thứ hai đến thứ sáu: từ 5 đến 20 giờ; thứ bảy và chủ nhật: từ 4 đến 20 giờ.