Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho người tị nạn vào châu Âu trong lúc Ankara thừa nhận không thể kiểm soát được sự lây lan coronavirus trong dòng người này.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, Serdar Kilic, nói rằng Liên minh châu Âu phải làm nhiều hơn để giúp đất nước của ông đón nhận dòng người tị nạn từ cuộc chiến ở nước láng giềng Syria. Trước đó, Ankara nói rằng họ sẽ không ngăn người tị nạn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để vào lãnh thổ EU.
Ông Kilic cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh ở biên giới với Iran để chống lại nguy cơ lây lan của coronavirus nhưng việc cố gắng ngăn chặn sự lây lan trong các trại tị nạn người Syria sẽ là "nhiệm vụ bất khả thi".
"Chúng tôi đã đạt tận lực của mình" để tiếp nhận người tị nạn, Kilic nói với các phóng viên. "Chúng tôi đã nói với họ, nếu bạn muốn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, bạn có thể tự do làm điều đó. Chúng tôi đã cưu mang những người đó khoảng tám năm ở Thổ Nhĩ Kỳ".
Hy Lạp và Bulgaria, nằm ở biên giới phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ, đều là thành viên của EU. Hàng chục ngàn người tị nạn Syria đã cố gắng xâm nhập vào Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 28.2, khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng sẽ không cố gắng ngăn người tị nạn rời khỏi lãnh thổ.
Ông Kilic cho biết EU, Mỹ và các quốc gia khác có "nghĩa vụ nhân đạo" trong việc giải quyết dòng người Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến. Liên Hợp Quốc cho biết giao tranh ở Idlib gần đây đã khiến gần 1 triệu người phải bỏ nhà cửa. Nhiều người dân thường phải ngủ ngoài trời hoặc sống trong lều lạnh lẽo.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã hội đàm với EU. và các quan chức NATO tại Brussels để thảo luận về cách giải quyết dòng người tị nạntừ Syria.Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết tình hình căng thẳngtại biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ hiện giờ là kết quả của "áp lực chính trị".
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ngăn người tị nạn vượt sang E.U để đổi lại hàng tỉ euro viện trợ. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 3,6 triệu người tị nạn từ Syria. Nhưng ông Kilic nói trong khi E.U. đã hứa hỗ trợ 6 tỉ euro thì trên thực tế, họ mới giải ngân chưa được một nửa. "Ở giai đoạn này, vào thời điểm này, chúng ta cần hành động nhiều hơn lời nói", ông Kilic nói.
Khi được hỏi Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gì để theo dõi hoặc ngăn chặn sự lây lan của coronavirus giữa những người tị nạn Syria đang hướng tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đại sứ nói: "Có 900.000 người. Làm thế nào để bạn kiểm tra từng người trong số họ?".
Dù vậy, ông Kilic cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện các bước để thắt chặtbiên giới với Iran trước mối đe dọa của coronavirus.
Anh Tú