Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ, sự sụt giảm mạnh của giá trị đồng nội tệ đã buộc Nhật Bản phải cắt giảm khoản tiền 43,5 nghìn tỉ yên dành cho quốc phòng trong vòng 5 năm.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 43,5 nghìn tỉ yên từ năm 2023 đến 2027. Nhưng từ đó đến nay đồng nội tệ nước này mất đến 10% giá trị so với đồng USD nên Nhật đành điều chỉnh kế hoạch chi tiêu.
Nguồn tin cho biết, kế hoạch mua sắm ban đầu dựa trên tỷ giá USD. Thời điểm lập kế hoạch vào mùa hè 2021, khi đó 1 USD đổi được 108 yên. Đến đầu tháng 11 năm nay, tỷ giá là 1 USD đổi 150 yên. Ngân hàng Nhật Bản đầu tuần qua vừa điều chỉnh loạt biện pháp kiểm soát lợi suất trái phiếu nhằm hướng tới chấm dứt chính sách kích thích tiền tệ kéo dài hàng thập kỷ - yếu tố làm đồng yên mất giá.
Không như các doanh nghiệp kinh doanh ở nước ngoài, Bộ Quốc phòng Nhật không phòng ngừa biến động tỷ giá nên có rất ít cách giảm thiểu chi phí gia tăng khi sắm tên lửa hành trình Tomahawk hay chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Theo học giả Christopher Johnstone thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế: “Hiện tại, tác động còn khiêm tốn. Tuy nhiên, đồng yên mất giá trong thời gian dài chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng, tạo sức ép buộc phải cắt giảm, làm trì hoãn các thương vụ quan trọng”.
Ưu tiên tên lửa
Nguồn tin cho biết trước tình cảnh khó khăn, Nhật sẽ ưu tiên sắm vũ khí Mỹ phục vụ ngoài tiền tuyến chẳng hạn như tên lửa và giảm mua vũ khí hỗ trợ như máy bay cùng khí tài thứ cấp (phần lớn do đơn vị nội địa sản xuất).
Tháng 12 năm ngoái, giới chức quốc phòng Nhật dự định đặt hàng 34 máy bay trực thăng vận tải Chinook với giá 15 tỉ yên mỗi chiếc. Nhưng trong yêu cầu chi tiêu của năm tài khóa 2024 số máy bay được đặt giảm còn 17 vì giá mỗi chiếc tăng thêm 5 tỉ yên. Ngoài ra Nhật còn bỏ ý định mua 2 thủy phi cơ US-2 dùng cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn sau khi giá mỗi chiếc tăng gần gấp đôi lên 30 tỉ yên.