Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay cần tính toán đến việc “đội giá” nguyên vật liệu kèm theo chi phí phát sinh, tăng chi phí đầu tư...

Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ: Cần tính đến việc “đội giá” vật liệu xây dựng

Nam Phong | 25/05/2022, 11:54

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay cần tính toán đến việc “đội giá” nguyên vật liệu kèm theo chi phí phát sinh, tăng chi phí đầu tư...

Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 từ năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km; tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km và dự kiến thông tuyến vào năm 2010.

Theo đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với 2 làn xe. Qua 18 năm thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội, theo Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, dự án vẫn đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại 171 km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để triển khai, nối thông toàn tuyến; trong 5 năm (2017 - 2021), dự án chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng.

thao-luan.jpg
Các đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ

Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 66/2013/QH13, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận thấy, trong 5 năm (2017 - 2021), dự án chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng. Như vậy, dự án không bảo đảm đúng tiến độ, đến năm 2021 (quá 1 năm so với thời gian quy định tại Nghị quyết 66) mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành; không bảo đảm phân kỳ đầu tư đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ vướng mắc, khó khăn, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan để xử lý dứt điểm, đẩy mạnh tiến độ, sớm hoàn thiện toàn bộ dự án. Ngoài ra, đề nghị làm rõ hơn về thay đổi chiều dài tuyến chính của dự án, từ 2.499 km (theo Nghị quyết 66/2012/QH13) lên 2.744 km.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ tiến độ triển khai một dự án thành phần, công tác phối hợp, bàn giao mặt bằng của một số địa phương còn chậm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa tốt, có tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi an toàn (xây dựng nhà ở, lều quán, công trình… trên đất vườn thuộc hành lang an toàn đường bộ), gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo cụ thể về tình trạng nêu trên, đồng thời đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo thêm về công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa khi nhiều đoạn tuyến theo phản ánh chưa được sửa chữa đúng thời hạn quy định, rạn nứt, ổ gà, lún võng, nguy cơ mất an toàn giao thông; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng xử lý với một số đoạn tuyến sau khi hoàn thành thi công vẫn gắn biển "đoạn đường chờ lún".

Theo Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung báo cáo, làm rõ lý do dự án thành phần đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến (kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT) không thể triển khai được.

Ngoài ra, một số dự án mở rộng qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ) đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo cũng hạn chế sự lựa chọn của người dân; báo cáo bổ sung phương án, giải pháp xử lý đối với các đoạn tuyến đi trùng của đường cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 với đường Hồ Chí Minh.

Tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu quốc hội cũng cho rằng khi dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra thì cần tính đến kinh phí “đội giá” nguyên vật liệu khi xây dựng đường trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần tính toán đến việc “đội giá” nguyên vật liệu kèm theo chi phí phát sinh, tăng chi phí đầu tư...

Ngoài ra, cần xem xét kỹ lưỡng việc phân kỳ đầu tư cho các giai đoạn để có lộ trình triển khai khẩn trương, thích hợp nhất. Đối với 3 dự án chưa được phân bổ vốn cũng cần tính toán một cách hợp lý để sao cho triển khai được nhanh chóng, hiệu quả. Song song với đó, các địa phương thực hiện dự án cũng cần triển khai nhanh chóng và tính toán việc giải phóng mặt bằng, xây dựng chính sách di dân, tái định cư cho người dân đến nơi ở mới.

trang-a-duong.jpg
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện chuyển đổi phương thức đầu tư dự án.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn La Sơn - Túy Loan thực hiện theo phương thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên đoạn từ Hòa Liên - Túy Loan (dài khoảng 11km) đã phải chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư công.

Với phương thức chuyển đổi này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ GTVT nêu rõ hơn lý do chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, ông Sơn đề nghị Bộ làm rõ việc chuyển đổi từ hình thức BT sang đầu tư công thì có được đưa vào Luật Đầu tư công không, tính hiệu quả của dự án, lưu lượng giao thông qua tuyến đường như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, dự án chậm tiến độ thì chi phí thực hiện chắc chắn sẽ đội lên. Đây không chỉ là sự lãng phí về kinh phí đầu tư mà còn là sự lãng phí về thời gian.

Mặt khác, trong kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo chưa đưa ra thời gian cụ thể hoàn thành thông tuyến. Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT đưa ra thời gian chính xác về việc hoàn thiện dự án cũng như có những giải pháp cụ thể hơn nữa để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài 2.744 km.

Đến nay các đơn vị đã hoàn thành 2.362 km, đạt 86% và 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại còn 171 km chưa bố trí được vốn (dự kiến cần 10.700 tỉ đồng).

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỉ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỉ đồng.

Đến năm 2020, đã bố trí 62.316 tỉ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 43.728 tỉ đồng, vốn ngoài ngân sách 18.588 tỉ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước (4.677 tỉ đồng cho dự án chuyển tiếp, 4.686 tỉ đồng khởi công mới hai dự án thành phần, 7.343 tỉ đồng thanh toán dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ: Cần tính đến việc “đội giá” vật liệu xây dựng