Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ giúp Cần Thơ “thay da, đổi thịt” trong tương lai, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra nông sản của cả khu vực.

Dự án ‘một điểm đến, đa dịch vụ’ đưa Cần Thơ trở thành hạt nhân ĐBSCL

Nguyên Việt | 11/01/2022, 18:48

Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ giúp Cần Thơ “thay da, đổi thịt” trong tương lai, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra nông sản của cả khu vực.

Chiều 11.1, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3 và được thực hiện trong 5 năm. Nghị quyết được thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn để Cần Thơ phát huy các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm ĐBSCL.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với sự án nạo vét kếp hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

tp-can-tho.jpg
Một góc TP.Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Việt

Là trung tâm ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ sẽ là đòn bẩy để Cần Thơ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới. Trong đó, việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giải bài toán nông nghiệp vùng ĐBSCL. Sức lan tỏa của Nghị quyết sẽ giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu “Một điểm đến, đa dịch vụ” sẽ góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà gồm nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Nói thêm về trung tâm liên kết này, Chủ tịch TP.Cần Thơ cho biết: "Trung tâm dự kiến thu hút khoảng 150 doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản, với tổng vốn đăng ký dự kiến trên 1,2 tỉ USD, doanh thu trung bình dự kiến mỗi dự án khoảng 6,5 triệu USD/năm, tổng doanh thu dự kiến của toàn trung tâm này ước là 975 triệu USD/năm, nộp ngân sách khoảng 50 triệu USD/ năm, khoảng 5% doanh thu theo mức thuế suất ưu đãi được hưởng”.

Chủ tịch TP.Cần Thơ cho biết, khu liên kết sẽ là nơi các doanh nghiệp, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, cùng với việc hình thành các kho lạnh cấp vùng có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như trước đây. Điều này sẽ giúp người dân không còn chịu áp lực về thời điểm quyết định giá bán, tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận đúng với công sức lao động, chi phí đầu tư đã bỏ ra. Đồng thời, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu đầu vào, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trong thời gian qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án ‘một điểm đến, đa dịch vụ’ đưa Cần Thơ trở thành hạt nhân ĐBSCL