Trong lịch sử Hawaii, người ta từng cầu nguyện hoặc ném bom, nhưng vẫn không thể chặn dòng dung nham từ núi lửa phun trào và chảy xuống vùng dân cư.

Du khách khắp nơi đổ về xem núi lửa ở Hawaii phun trào, khoa học tìm cách ngăn chặn

Bảo Vĩnh | 02/12/2022, 12:55

Trong lịch sử Hawaii, người ta từng cầu nguyện hoặc ném bom, nhưng vẫn không thể chặn dòng dung nham từ núi lửa phun trào và chảy xuống vùng dân cư.

Và nay, núi lửa Mauna Loa cao 4.169 mét so với mực nước biển - sau 38 năm “ngủ yên” lại phun trào dung nham từ lúc 23 giờ 30 khuya 28.11 cho đến nay.  Dòng dung nham đang dần chảy đến một tuyến  đường cao tốc lớn ở bang Hawaii, Mỹ.

Du khách khắp nơi đổ về gây ùn tắc giao thông 

Việc Maua Loa tái hoạt động đang thu hút hàng ngàn du khách đến chứng kiến, chụp ảnh tự sướng trước nền là ngọn núi lửa lớn nhất thế giới đang phun trào. Các khách sạn quanh và trong thành phố Hilo- nơi gần Mauna Loa nhất - đã kín phòng cho đến sau dịp lễ Noel 2022, do có thể chứng kiến cảnh phun trào từ các nơi lưu trú này.  

Các tour trực thăng đến Mauna Loa cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu cao của du khách và nhà báo. Đây là một dịp làm ăn hiếm có trong mùa thấp điểm của ngành du lịch Hawaii. 

Tuy nhiên, hàng ngàn xe đổ về Đảo Lớn đã gây ra ùn tắc giao thông trên đường Saddle (còn gọi là đường 200) kết nối các thành phố ở vùng Hilo ở phía đông Hawaii và vùng Kailua-Kona phía tây. 

Dòng dung nham nóng chảy gây nguy cơ đe dọa tuyến đường này, nhưng hiện nay vẫn còn cách xa đường Saddle khoảng 5,3 km và không gây nguy hiểm cho các vùng dân cư và du khách.

Nhà khoa học Ken Hon của Đài Quan sát Núi lửa Hawaii nói dòng chảy “chậm đáng kể” và có lẽ phải mất ít nhất một tuần nữa mới có thể tràn qua tuyến đường này.

Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ năm 1843, và lần gần nhất kéo dài 22 ngày hồi tháng 4.1984, tạo ra dòng dung nham di chuyển chỉ cách thành phố Hilo khoảng 8 km. 

hawaii-mauna-loa-ap-4.jpeg
Du khách đổ đến Đảo Lớn để chứng kiến núi lửa phun trào - Ảnh: AP

Làm gì để ngăn chặn dòng chảy của dung nham?

Việc núi lửa Mauna Loa - tiếng Hawaii có nghĩa "Núi Dài"- lại phun trào khiến người ta lại thắc mắc rằng  liệu có thể làm gì để ngăn chặn hay đổi hướng dòng dung nham nóng chảy. 

Nhà địa chất học Scott Rowland ở Đại học Hawaii cho biết: “Mỗi khi núi lửa phun trào và dòng dung nham lan đến vùng dân cư hoặc cao tốc, người ta lại kêu gọi xây dựng tường chắn, và một số người khác lại bảo không nên làm. 

Người phát ngôn của Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii nói nhiều du khách không biết núi lửa nhỏ hơn là Kilauea cũng phun trào hồi tháng 9.2021.

Cầu nguyện nữ thần Pele ngưng dòng chảy dung nham

Loài người hiếm khi thành công trong việc chặn dòng chảy của dung nham và bất chấp những tiến bộ về công nghệ của thế giới, việc chặn ngăn này vẫn còn khó khăn và tùy thuộc sức mạnh của dòng chảy và địa hình. 

Tuy nhiên, nhiều người Hawaii vẫn thắc mắc liệu có nên can thiệp vào tự nhiên và có nên “cản trở công việc của Pele, vị nữ thần núi lửa và lửa". Theo truyền thuyết, “Tóc của Pele” là những sợi thủy tinh núi lửa mịn được hình thành khi các cuộn dung nham nhanh chóng nguội đi trong không khí. Những sợi thủy tinh này có thể rất sắc, gây nguy hiểm cho da và mắt người. 

Trong lịch sử, Hawaii đã có những nỗ lực chặn dòng dung nham. Như năm 1881, thống đốc bang này tuyên bố “Ngày Cầu nguyện” để dòng dung nham từ Mauna Loa không chảy đến thành phố Hilo. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Vương phi Lili’uokalani cùng đoàn tùy tùng đã đến Hilo để nắm tình hình và tìm cách cứu thành phố. Họ lên kế hoạch xây tường chắn để đổi dòng chảy của dung nham và cài mìn dọc theo một tuyến ống nhằm hút cạn nguồn đá nóng chảy. 

Công chúa Ruth Ke’elikolani cũng đến gần dòng dung nham, dâng rượu và các tấm khăn choàng đỏ rồi hát ca, cầu xin nữ thần Pele ngưng dòng chảy và trở về nơi nghỉ ngơi của bà. Nhưng cuối cùng, dung nham vẫn tràn đến.

"Ném bom chặn được dòng dung nham" chỉ là sự ngẫu nhiên

Hơn 50 năm sau, Thomas A. Jaggar, người lập nên Đài Quan sát Núi lửa Hawaii, đề nghị công binh lục quân Mỹ cử máy bay đến ném bom một miệng phun của núi lửa Mauna Loa để làm gián đoạn dòng dung nham.

Trung tá  George S. Patton (sau này là một vị tướng nổi tiếng trong Thế chiến 2) đã ra lệnh máy bay ném 20 quả bom nặng 272 kg, mỗi quả chứa 161 kg thuốc nổ TNT, cùng 20 quả bom nhỏ hơn chỉ tạo ra khói đen, theo ghi chép của Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii. 

Jaggar nói cách đánh bom này đã giúp “đẩy nhanh sự kết thúc của dòng dung nham”, nhưng nhà địa chất Howard Stearns của USGS, người bay cùng chuyến bay ném bom cuối, đã tỏ ra nghi ngờ. Trong hồi ký xuất bản năm 1983, ông viết rằng: “Tôi đoán chắc đấy chỉ là một sự ngẫu nhiên”. 

Theo Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii, các nhà địa chất ngày nay cũng nghi ngờ việc đánh bom đã chặn được dòng dung nham vốn đã không chấm dứt sau đợt bom. Thay vào đó, dòng này chỉ tàn đi trong vài ngày sau đó và không đổi hướng. 

hawaii-mauna-loa-ap-2.jpeg
Dòng dung nham nóng chảy từ núi lửa Mauna Loa - Ảnh: AP

"Loài người không thể chiến thắng tự nhiên"

Nhà địa chất học Rowland đề xuất rằng, chính quyền Hawaii có thể dùng một xe ủi đất đào một hào đá lớn ngay trước cao tốc Daniel K. Inouye. Nếu địa hình ở đây bằng phẳng thì dung nham có thể chảy vào hào.

Nhưng dung nham có thể chảy ra ngoài tường hào, điều đã từng xảy ra khi nỗ lực này được tiến hành ở thành phố Kapoho vào năm 1960.

Dòng dung nham chảy nhanh, như đã xảy ra ở núi lửa Kilauea năm 2018, cũng khiến rất khó ngăn chặn, ông Rowland nói và cho biết, có lẽ đa số người Hawaii sẽ không muốn xây tường chắn để bảo vệ tuyến đường cao tốc, vì làm thế là “gây sự với nữ thần núi lửa Pele”. 

Nếu dòng dung nham chảy tràn qua tuyến cao tốc này, Rowland nói các quan chức có thể xây lại đoạn đường bị tràn, như họ đã làm năm 2018, khi các tuyến đường khác đều ngập dung nham nguội. 

Lãnh đạo dân phòng Hawaii, Talmadge Magno nói, hiện hạt không có kế hoạch đổi hướng dòng dung nham. Thống đốc bang Hawaii David Ige, từng chứng kiến vụ phun trào của núi lửa Kilauea năm 2018 cho biết, kinh nghiệm của ông cho thấy “không thể chiến thắng thiên nhiên và nữ thần Pele”. 

hawaii-mauna-loa-ap-1.jpeg
Đường Saddle ôm sát núi lửa Mauna Loa - Ảnh: AP

Nhà văn hóa Kealoha Pisciotta người bản địa Hawaii nói: “Ý tưởng có thể chặn dòng dung nham là một luồng tư tưởng của phương Tây rằng loài người có thể kiểm soát tất cả mọi điều. Nhưng chúng ta chỉ nên thích ứng với dòng chảy, không tìm cách tránh. Chúng ta không thể tách khỏi tự nhiên, vì chúng ta là một phần của tự nhiên”.

Bài liên quan
Núi lửa Tonga phun trào có ảnh hưởng gì đến khí hậu trái đất?
Các nhà khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa Tonga có thể không đủ lớn để làm ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu nhưng núi lửa phun trào cũng là một nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du khách khắp nơi đổ về xem núi lửa ở Hawaii phun trào, khoa học tìm cách ngăn chặn