Hơn 76% số người Hàn Quốc tham gia một cuộc thăm dò đều tin rằng năng lực răn đe hạt nhân là giải pháp phòng vệ tốt nhất, khi mối đe dọa an ninh ngày càng tăng.

Dư luận Hàn Quốc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân

Bảo Vĩnh (theo Deutsche Welle) | 18/02/2023, 13:35

Hơn 76% số người Hàn Quốc tham gia một cuộc thăm dò đều tin rằng năng lực răn đe hạt nhân là giải pháp phòng vệ tốt nhất, khi mối đe dọa an ninh ngày càng tăng.

missile-ap.jpg
Tên lửa Mỹ và Hàn Quốc được trưng bày tại khu tượng đài chiến tranh Triều Tiên - Ảnh: AP

Các nhà phân tích chỉ ra việc người dân ủng hộ chính phủ Hàn Quốc tự sản xuất, triển khai vũ khí hạt nhân (VKHN) trùng với việc phe bảo thủ nhấn mạnh việc sở hữu một kho VKHN là cần thiết để đề phòng Trung Quốc và Triều Tiên.

Vài năm qua, Triều Tiên đã đầu tư mạnh vào năng lực hạt nhân và tên lửa tầm xa. Các nhà phân tích dự đoán cuộc thử hạt nhân ngầm dưới đất thứ 8 sẽ xảy ra trong vài tháng tới, tại bãi thử Punggye-ri.

Liên minh Mỹ - Hàn Quốc chưa đủ mạnh

Người Hàn Quốc cũng cảnh giác sự mong manh của liên minh an ninh giữa Mỹ với Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng dọa rút quân Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc, nhằm buộc Seoul phải chi tiền cho hoạt động của lực lượng trú đóng này.

Gần đây hơn, đã có những dấu hỏi về việc Mỹ duy trì cam kết bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc, khi những bất đồng về thương mại giữa hai nước ngày càng tăng. Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với việc nhập khẩu xe điện (EV) từ Hàn Quốc và nỗ lực tách dần khỏi sự lệ thuộc lâu nay vào các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc.

Ngay cả các chính khách cánh tả trong chính trường Hàn Quốc cũng ủng hộ việc tự phát triển VKHN. Họ nói nó sẽ cho phép Seoul không quá lệ thuộc vào phòng thủ của Mỹ, tạo điều kiện cho việc giảm quân số Mỹ và bảo đảm quyền tự quyết của Hàn Quốc về vấn đề an ninh quốc gia.

hwasong-17-yonhap.jpg
Triều Tiên phô trương tên lửa tầm xa trong lễ duyệt binh tối 8.2 vừa qua - Ảnh: KCNA

Hàn Quốc mất niềm tin vào chiếc ô hạt nhân Mỹ

Cuộc thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu tiên tiến Chey được công bố ngày 30.1, là khảo sát mới nhất về nhận định của người dân đối với việc tự phát triển năng lực răn đe hạt nhân.

Kết quả là 60,7% số người được hỏi cho biết họ tin Hàn Quốc cần tự phát triển VKHN, và 15,9% nói “rất cần có một năng lực răn đe hạt nhân”. Chỉ 3,1% số người được hỏi nói Hàn Quốc tuyệt đối không cần có VKHN, trong khi 20,3% nói “cần” một năng lực răn đe hạt nhân nội địa.

“Tôi cho rằng chúng ta đang trong một tình hình mà Trung Quốc đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình khu vực, và Mỹ thì đang cạnh tranh với Hàn Quốc”, theo bà Hyobin Lee, giáo sư khoa chính trị ở Đại học Quốc gia Chungnam.

Bà nói với báo Đức Deutsche Welle (DW): “Việc Mỹ không trợ giá cho EV Hàn Quốc và cố gắng cạnh tranh ở lĩnh vực bán dẫn đang tạo ra sự lo ngại cho Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc không tin vào ô dù hạt nhân mà Mỹ giương che. Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng ai đó bảo vệ mình nếu như họ xem chúng tôi như là đối thủ cạnh tranh?”.

Tuy nhiên, có một nỗi sợ là những hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang.

Giáo sư Lee nói thêm: “Mối ác cảm đối với Trung Quốc tăng lên từng ngày. Theo một thăm dò, khoảng 80% người dân Hàn Quốc cho biết họ ghét Trung Quốc. Đó là một tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Nhiều người Hàn Quốc tin Trung Quốc và Triều Tiên rất có thể tấn công Hàn Quốc”.

Các cuộc thăm dò dư luận trước đó cũng chỉ ra việc người dân Hàn Quốc ủng hộ một năng lực răn đe hạt nhân nội địa. Trong những năm gần đây, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách châu Á xác định tỷ lệ ủng hộ là 70,2%.

Trong khi đó, nghiên cứu khác của Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago (Mỹ) đưa ra con số 71% ủng hộ. Karl Friedhoff, một tác giả báo cáo của hội đồng trên, cho biết tỷ lệ ủng hộ VKHN cao hơn trong nghiên cứu mới nhất.

Nghiên cứu của ông nhấn mạnh việc sở hữu VKHN từng là một “vấn đề chính trị cực đoan” nhưng nay là chủ đề trong các cuộc hội thảo về an ninh quốc gia của Hàn Quốc. Báo cáo nêu sự ủng hộ việc Hàn Quốc sở hữu VKHN là “rất lớn” (67%), thậm chí lớn hơn tỷ lệ 3% dành cho sự ủng hộ Mỹ triển khai VKHN ở Hàn Quốc.

Friedhoff còn đề cập một lý do khác để có sự ủng hộ lớn lao đó: một khái niệm có tên là “học thuyết sử dụng không mong muốn”. Theo học thuyết này thì uy lực của Mỹ và việc Mỹ sẵn sàng sử dụng VKHN ngay tại các căn cứ trú đóng hóa ra lại khiến Hàn Quốc trở thành một mục tiêu cho các đối phương tấn công phủ đầu hoặc trả đũa.

Hàn Quốc không dễ nhanh chóng sở hữu VKHN

Tranh luận về việc Hàn Quốc sở hữu VKHN đã nóng lên từ một bình luận của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về những phương án phòng vệ.

Khuya 11.1.2023, lúc kết thúc cuộc họp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Tổng thống Yoon nói ông không loại trừ khả năng tái triển khai VKHN chiến thuật ở Hàn Quốc, hoặc nước này sẽ tự sản xuất VKHN trong trường hợp mối họa hạt nhân từ Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói: “Nếu điều đó xảy ra, sẽ không mất nhiều thời gian để chúng ta có một loại VKHN, dựa trên năng lực khoa học, kỹ thuật của chúng ta”.

Vấn đề là Mỹ phản đối cả hai phương án của Tổng thống Yoon. Nhà phân tích Friedhoff cho rằng nếu Hàn Quốc muốn tự tạo một năng lực răn đe hạt nhân thì phải mất gần một năm để phát triển một loại VKHN.

Ngoài ra, ông thắc mắc: “Ngay cả khi Hàn Quốc tự phát triển VKHN, họ sẽ đặt chúng ở đâu? Nước này bị hạn chế về đất đai và bất kỳ cơ sở hạt nhân nào cũng sẽ gần khu dân cư. Điều đó sẽ gây ra những cuộc phản đối. Vì thế, xem ra bất kỳ chương trình VKHN nào của Hàn Quốc cũng sẽ phải là tại các căn cứ hải quân”.

Bên cạnh đó, bất kỳ kế hoạch sở hữu năng lực răn đe hạt nhân nào của Seoul cũng sẽ bị lên án bởi các đối phương khu vực, nhất là Triều Tiên và Trung Quốc, rằng “đó là một nỗ lực cố tình gây bất ổn khu vực” và chắc chắn sẽ kích hoạt việc Bắc Kinh trả đũa bằng cách lệnh trừng phạt kinh tế Hàn Quốc.

Có thể Nhật Bản sẽ tỏ ý lo ngại, trong khi Mỹ có thể phản đối các nỗ lực sản xuất, triển khai VKHN của Seoul, trên cơ sở Mỹ phản đối việc phổ biến VKHN.

Bất kỳ quyết định nào cũng sẽ có nghĩa Hàn Quốc từ bỏ những cam kết của nước này trong Hiệp định không phổ biến VKHN (NPT) và như thế sẽ có những liên lụy cho chương trình hạt nhân dân sự của Hàn Quốc.

Ngoài ra, các nhà phân tích lưu ý rằng 24% dư luận Hàn Quốc phản đối VKHN vẫn chưa bắt đầu lên tiếng. Bà Lee nói: “Người dân Hàn Quốc sẽ không dễ đạt ý muốn dễ dành sở hữu VKHN dù họ rất muốn chăng nữa. Hàn Quốc nên tuân thủ NPT và sẽ không dễ phá bỏ những điều họ đã cam kết”.

Bài liên quan
Chính phủ Hàn Quốc được kêu gọi trang bị vũ khí hạt nhân
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính phủ Hàn Quốc cần nghĩ lại về chính sách không sở hữu vũ khí hạt nhân (VKHN), vào lúc mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ CHDCND Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dư luận Hàn Quốc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân