Tổng thống Yoon Suk-yeol không loại trừ khả năng Hàn Quốc tự sản xuất vũ khí hạt nhân (VKHN) nhằm đề phòng khi mối đe dọa hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Đây là lần đầu tiên ông Yoon nói đến khả năng Hàn Quốc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc sở hữu VKHN, kể từ khi ông nhậm chức ngày 10.5.2022.
Báo Korea Times ngày 12.1 dẫn thông tin do Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc công bố khuya 11.1 cho biết, lúc kết thúc cuộc họp với các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, Tổng thống Yoon nói ông không loại trừ khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc, hoặc nước này sẽ tự sản xuất VKHN trong trường hợp mối họa hạt nhân từ Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói: “Nếu điều đó xảy ra, sẽ không mất nhiều thời gian để chúng ta có một loại VKHN, dựa trên năng lực khoa học - kỹ thuật của chúng ta”.
Ông Yoon hiếm khi đề cập việc Hàn Quốc chọn VKHN như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ đất nước khỏi bị Triều Tiên tấn công.
Tuy nhiên, ông Yoon nói rõ rằng việc Hàn Quốc lập tức trở nên một quốc gia trang bị VKHN là “phi thực tế”. Xem ra phát biểu của ông nhằm đề cập những lo ngại về sự phổ biến VKHN tràn lan, như Mỹ và các nước khác ký Hiệp ước không phổ biến VKHN (NPT).
Ngày 12.1, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đính chính: Hàn Quốc không có ý định tự sản xuất VKHN. Phó cố vấn an ninh quốc gia Kim Tae-hyo nói: “Không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Hàn Quốc đối với việc cam kết không phổ biến VKHN. Hàn Quốc sẽ không vi phạm NPT và sẽ hợp tác với Mỹ để tăng cường năng lực ngăn chặn đối với Triều Tiên”.
Tổng thống Yoon đã nêu bật việc cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ để chia sẻ tài nguyên hạt nhân, cùng tham gia các cuộc tập trận và cùng lên kế hoạch đối phó các mối đe dọa từ phía Triều Tiên.
Theo giới truyền thông Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã liên tục khiêu khích bằng các loại vũ khí khác nhau, gần nhất là tung máy bay tự hành xâm nhập không phận Hàn Quốc. Triều Tiên cũng có thể thử hạt nhân vào bất kỳ lúc nào trong năm nay.
Tổng thống Yoon đã ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc tăng cường chiến lược “Ba trục” để đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Chiến lược này gồm hệ thống “chuỗi tiêu diệt” Kill-Chain vốn bắt đầu bằng cách Hàn Quốc đánh phủ đầu tên lửa Triều Tiên nếu phát hiện các dấu hiệu rõ ràng rằng Triều Tiên chuẩn bị tấn công, hệ thống Phòng Không và Tên lửa (KAMD) để bảo vệ Hàn Quốc khỏi bị Triều Tiên tấn công tên lửa, và trục cuối là chương trình Hàn Quốc Trừng phạt và Trả đũa ồ ạt (KMPR) vốn sẽ kích hoạt các năng lực trả đũa mạnh mẽ của Hàn Quốc.
Trong ba trục này, Tổng thống Yoon nói KMPR là chiến thuật quan trọng nhất để ngăn chặn những khiêu khích từ phía Triều Tiên. Ông ra lệnh Bộ Quốc phòng tăng cường năng lực tấn công trả đũa lớn, để Hàn Quốc có thể thực hiện phản công chống lại Triều Triên đạt 100 lần sức mạnh hủy diệt bất kỳ mối đe dọa nào sắp xảy ra, hoặc đạt sức mạnh cấp 1.000 lần trong trường hợp có khu vực thuộc lãnh thổ Hàn Quốc bị xâm chiếm.
Theo nhà lãnh đạo, một khi Hàn Quốc trang bị đầy đủ khả năng trừng phạt - trả đũa và tiếp tục thực hiện các chiến dịch quân sự, thì Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong việc tăng cường khiêu khích.
Ông Yoon nói năng lực tấn công - trả đũa phải chú trọng phòng thủ, vì bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công từ phía Triều Tiên thì khó khăn hơn, tốn kém hơn là nâng cấp các khả năng tiến hành tấn công - trả đũa trong trường hợp bị khiêu khích.
Ông nói: “Bảo vệ đất nước khỏi tên lửa tấn công của địch, chẳng hạn, sẽ khiến đất nước bị tốn nhiều tiền gấp 10 lần hơn là tấn công. Triều Tiên chú trọng xây dựng năng lực để tấn công, vì làm thế rẻ hơn là xây dựng năng lực phòng vệ”.
Chủ nhân Nhà Xanh còn nói Triều Tiên đã trở nên mối đe dọa chung của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, và mối quan ngại an ninh này đã khiến 3 nước hợp tác đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.