Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết phi hạt nhân hóa trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên, sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc.
Trong cuộc họp báo ngày 20.10, người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng không quân Patrick Ryder cũng nói lực lượng răn đe chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc đủ bảo vệ Hàn Quốc cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực, đồng thời răn đe bất kỳ nguy cơ Triều Tiên phát động tấn công miền Nam bán đảo Triều Tiên.
Thông tin của tướng Ryder vào lúc có sự kêu gọi tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc, tiếp sau việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo.
Một quan chức cấp cao Mỹ nói Bình Nhưỡng đã phóng tổng cộng 44 tên lửa trong năm nay, đây là số tên lửa nhiều nhất được phóng trong một năm.
Báo Korea Times đưa tin Triều Tiên cũng phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn qua Nhật trong tháng 10 này.
Theo AP, Triều Tiên đã phóng thử 15 tên lửa từ khi nối lại hoạt động này hôm 25.9. Tính đến ngày 19.10, Triều Tiên cũng đã nã 910 quả đạn pháo trong vòng 6 ngày.
Sau khi nhấn mạnh Mỹ sẽ không dàn vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc, tướng Ryder cho biết Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ an ninh theo yêu cầu của Hàn Quốc: “Chúng tôi có sự hiện diện quân sự đáng kể ở bán đảo Triều Tiên”, ám chỉ 28.500 quân Mỹ đang trú đóng ở Hàn Quốc.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc còn cho biết “Mỹ, Hàn Quốc cùng các đồng minh và đối tác khu vực thường xuyên tập trận định kỳ, để bảo đảm các lực lượng hoạt động phối hợp hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của cả khối, cùng khả năng đánh chặn một cuộc tấn công tiềm năng”.
Tướng Ryder trước đó đã nói Hàn Quốc đã được bảo đảm từ khả năng phòng thủ của Mỹ, gồm “các khả năng vũ khí hạt nhân, vũ khí quy ước và phòng thủ tên lửa”.
Các quan chức Mỹ - Hàn gần đây nói có thể Triều Tiên sẽ sớm thử hạt nhân trở lại, tiếp sau những cuộc phóng tên lửa đạn đạo vừa qua. Lần thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên hồi tháng 9.2017, là lần thứ 6.
Tướng Ryder cũng nói Mỹ và các đồng minh khu vực sẽ theo dõi sát tình hình ở Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Mỹ có đủ khả năng đối phó bất kỳ cuộc tấn công nào của Bình Nhưỡng. Ông lưu ý hiện Mỹ có một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B ở đảo Guam, “phát đi một thông điệp rõ ràng đến Triều Tiên, rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, và Mỹ có khả năng triển khai hoạt động toàn cầu trong bất kỳ ngày nào”.
Hai chiếc B-1B Lancers ở căn cứ không quân Mỹ Ellsworth ở bang Nam Dakota đã được triển khai đến căn cứ không quân Mỹ Andersen ở Guam.
B-1B là một trong 3 loại máy bay chiến lược có thể ném bom hạt nhân của không quân Mỹ, cùng với các máy bay ném bom B-2 Spirit và B-52 Stratofortress.
B-1B thường được bay đến bán đảo Triều Tiên nhằm phô trương khả năng răn đe diện rộng mỗi khi Triều Tiên gây căng thẳng. Ví dụ khi Triều Tien dọa thử một quả bom hydrogen hồi năm 2017, các máy bay này đã được cử đến vùng biển phía đông Triều Tiên nhằm cảnh cáo nước này.
Mỹ cũng sẽ tung chiến đấu cơ tàng hình F-35B vào cuộc tập trận không quân Mỹ - Hàn trong không phận Hàn Quốc từ ngày 31.10 đến 4.11 tới, nhằm tăng cường khả năng răn đe trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Không quân Mỹ dự tính triển khai 100 máy bay, gồm các chiến đấu cơ tàng hình F-35B sẽ cất cánh từ một căn cứ Mỹ ở Nhật Bản, phối hợp với 140 máy bay gồm các chiến đấu cơ F-35A, F-15 và KF-16 của không quân Hàn Quốc.
Kế hoạch triển khai chiến đấu cơ F-35B được tổ chức, sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 5 giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tại Seoul, ông Biden đã đồng ý triển khai các tài nguyên chiến lược của Mỹ “kịp thời và phối hợp khi cần thiết”.
Hàn Quốc cũng đang tổ chức cuộc tập trận hằng năm Hoguk kéo dài 12 ngày, từ ngày 17 đến 28.10, với sự tham gia của lục quân, không quân, hải quân và thủy quân lục chiến. Có sự tham gia của quân đội Mỹ.
Cùng ngày 20.10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS), tướng Mark Milley đã có cuộc họp ba bên với 2 người đồng cấp là tướng Kim Seung-kyum của Hàn Quốc và tướng Koji Yamazaki của Nhật Bản.
Tại cuộc họp, các vị tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác an ninh ba bên để đề phòng các mối đe dọa từ Triều Tiên, cùng các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.