Theo góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với dư thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), dự thảo luật này đang tạo ra giấy phép mới so với hiện hành, dù không cần thiết.

Dự luật Giao thông đường bộ tạo thêm giấy phép mới, tăng thủ tục xin - cho

20/06/2020, 17:12

Theo góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với dư thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), dự thảo luật này đang tạo ra giấy phép mới so với hiện hành, dù không cần thiết.

VCCI góp ý về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Tăng thủ tục xin cho

Điều 103 dự thảo quy định để lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành. VCCI cho rằng việc này tăng thủ tục xin - cho không cần thiết. Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép.

Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.

Điều này cũng trùng lặp về mục tiêu quản lý. Mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” suy đoán là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa.

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này.

Ngoài ra, việc này cũng có nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo. Mặc dù chưa được quy định chi tiết nhưng những nội dung đào tạo để cấp chứng chỉ có khả năng lớn là trùng lặp với đào tạo để cấp giấy phép lái xe (do mục tiêu quản lý là trùng lặp).

Có thể với chứng chỉ, một số nội dung khác không liên quan đến kỹ năng lái xe mà về các nghiệp vụ kinh doanh sẽ được bổ sung. Tuy nhiên, nếu đúng thì thì việc đào tạo này là không cần thiết, vì mục tiêu quản lý cho các lái xe là hướng đến lái xe an toàn, còn kinh doanh là vấn đề của chủ doanh nghiệp, không phải của các lái xe.

Nhìn dưới góc độ của tính hợp lý, mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như tinh thần tinh giản thủ tục hành chính, VCCI đề nghị bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Bất hợp lý về nội dung kinh doanh vận tải bằng ô tô

Góp ý về nội dung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Điều 111), VCCI cho rằng theo quy định này thì vận tải bằng xe ô tô sẽ được phân thành ba loại hình kinh doanh: xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng.

Theo giải trình của Ban soạn thảo thì xe buýt gồm 2 loại hình vận tải có cùng tính chất (tuyến, biểu đồ chạy xe và lộ trình ổn định) được quy định trong Luật Giao thông vận tải đường bộ 2008 là vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt;

Xe taxi bao gồm vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi được quy định trong Luật Giao thông vận tải đường bộ 2008.

Xe hợp đồng được ghép từ 02 loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch quy định trong Luật Giao thông vận tải đường bộ 2008, đồng thời quy định sức chứa ô tô từ 9 chỗ trở lên.

Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo đã thu gọn loại hình kinh doanh vận tải (từ 5 hình thức thành 3 hình thức) và sắp xếp, xác định lại một số loại hình vận tải. Tuy nhiên, theo quy định này thì vận tải hành khách theo hợp đồng của xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi sẽ không còn tồn tại, thay vào đó sẽ gọi là xe taxi.

Theo ban soạn thảo thì quy định này “giúp tránh tình trạng có 2 nhóm quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất (xe taxi và xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng)”.

VCCI cho rằng đây là hai loại hình có bản chất khác nhau, không phải “cùng bản chất”. Về mặt pháp lý, nếu chỉ dừng ở các quy định tại khoản 5 Điều 111 Dự thảo (chỉ nêu ra định nghĩa) và nếu bỏ qua tên gọi (taxi) thì việc gộp chung hai loại hình vận tải này có thể không tạo ra vấn đề lớn.

Tuy nhiên, nếu Nghị định hướng dẫn chi tiết quy định thêm các quy định để định danh xe taxi (mà chắc chắn Nghị định sẽ phải quy định cụ thể về vấn đề này), ví dụ: hình thức của xe taxi (màu sơn, mào, các dạng phù hiệu…) thì việc gộp chung sẽ phát sinh vấn đề.

Lý do như đã đề cập, ngoại trừ việc giống nhau ở chỗ sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ, xe chạy theo hình thức hợp đồng hoàn toàn khác về bản chất so với xe taxi.

Tất nhiên, VCCI đánh giá rủi ro này có thể khắc phục nếu Nghị định trong tương lai quy định các điều kiện kinh doanh riêng cho xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Tuy nhiên, khả năng này hầu như không xảy ra bởi nếu luật mới không còn phân loại nữa (việc phân loại này chỉ là nhìn từ luật cũ), thì nghị định hướng dẫn sẽ không có căn cứ để phân loại các điều kiện kinh doanh riêng rẽ cho xe taxi (thuần túy, đúng bản chất) và cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ (không phải taxi nhưng bị gọi là taxi).

Chồng lấn quy định giữa vận tải xe buýt và xe khách

Cũng theo VCCI, vận tải hành khách bằng xe buýt và vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, theo quy định tại dự thảo đang có sự chồng lấn.

Ví dụ, có những xe hợp đồng được thỏa thuận để vận chuyển theo một tuyến cố định (ví dụ: đưa đón công nhân, nhân viên văn phòng, đưa đón học sinh …). Bản chất đây là xe chạy theo hợp đồng, không có tính chất của xe buýt (xe công cộng, chạy theo lộ trình dừng đỗ ổn định, tại các bến đỗ dành riêng cho xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại thường xuyên của nhân dân), nhưng với định nghĩa tại dự thảo thì sẽ được xếp vào nhóm xe buýt.

“Việc trộn lẫn và khó phân biệt giữa các loại hình vận tải sẽ khiến cho quy định quay trở về tình trạng khó khăn của hiện tại khi phải tìm kiếm các quy định để định danh chính xác loại hình vận tải”, VCCI nêu.

Thậm chí cơ quan này còn nhận định có những quy định bất hợp lý, can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh khi quy định về những hạn chế của xe kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng (quy định về tỷ lệ % hành trình được lặp lại, hình thức của hợp đồng vận chuyển…).

Từ các phân tích trên cho thấy việc phân định theo các hình thức kinh doanh vận tải “cứng” như dự thảo sẽ không giải quyết được các vấn đề bất cập trên thực tế lâu nay.

Do đó, VCCI đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 111 theo hướng hoặc là chỉ đưa ra định nghĩa về “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô” mà không phân biệt các nhóm dịch vụ vận tải cụ thể; hoặc là phân loại các dịch vụ này theo 02 nhóm: “kinh doanh vận tải hành khách theo lịch trình cố định” và “kinh doanh vận tải hành khách không theo lịch trình cố định”.

Lam Thanh

Bài liên quan
Ngành vận tải tiếp tục tăng chuyến dịp lễ 30.4 - 1.5
Để đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân dịp lễ 30.4-1.5, các hãng hàng không, đường sắt, bến xe đã khẩn trương lập phương án bổ sung tăng thêm nhiều chuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự luật Giao thông đường bộ tạo thêm giấy phép mới, tăng thủ tục xin - cho