Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Thu hồi đất với các dự án được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận
Sáng 3.11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo luật đã bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định này, các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.
Dự thảo Llật bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”.
Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, dự thảo luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất.
Cụ thể: Sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 điều 87). Điều này nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Làm rõ về đối tượng sử dụng đất quốc phòng, an ninh
Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh (QP-AN) kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 điều 202), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ đối tượng này là “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QP-AN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” hay bao gồm cả doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QP-AN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn.
Ngoài ra, cần cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng không phù hợp với nguyên tắc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 132/2020/QH14 có tính chất thí điểm với đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng giới hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất QP-AN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước; không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ QP-AN.
Cơ quan có thẩm quyền phê quyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả.
Đề xuất mới về quyền của người Việt Nam ở nước ngoài
Điểm mới trong dự thảo luật lần này có thêm phương án về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Chính phủ đề xuất.
Phương án này thiết kế theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, phương án 1 (trên cơ sở báo cáo số 598/BC-CP), dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Phương án 2: quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về tổ chức phát triển quỹ đất, ông Vũ Hồng Thanh cho biết quan điểm của Chính phủ là về dài hạn có thể xem xét học hỏi kinh nghiệm của một số nước phát triển như Hàn Quốc về việc cho thí điểm thành lập doanh nghiệp phát triển quỹ đất do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ở một số địa phương có điều kiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội không quy định tổ chức phát triển quỹ đất tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, do chưa phù hợp với chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất có tính chất công.
Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất), ông Thanh cho biết cũng có 2 phương án.
Phương án 1: Sửa đổi theo hướng ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) thuộc trường hợp thu hồi đất. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Phương án 2: Không quy định về ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư tư (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) thuộc trường hợp thu hồi đất.