Việc chính phủ Anh sắp cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine đã khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz đau đầu, song nhà lãnh đạo Đức dường như vẫn "bình chân như vại" trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Đức quyết không giao xe tăng hiện đại cho Ukraine bất chấp áp lực từ đồng minh

Hoàng Vũ | 12/01/2023, 15:12

Việc chính phủ Anh sắp cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine đã khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz đau đầu, song nhà lãnh đạo Đức dường như vẫn "bình chân như vại" trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Hebestreit, hôm 11.1 cho biết, kế hoạch của London cung cấp xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất cho Ukraine sẽ không làm thay đổi lập trường của chính phủ Đức - vốn từ trước đến nay luôn bác bỏ lời kêu gọi ngày càng tăng về việc Berlin giao xe tăng Leopard 2 mạnh mẽ của Đức cho Kyiv.

“Tình hình hiện tại không có gì thay đổi. Như đã tuyên bố trước đó vào ngày 9.1, chưa có bất kỳ yêu cầu chính thức nào của các nước đối tác về việc cùng cung cấp xe tăng Leopard cho quân đội Ukraine”, ông Hebestreit nói.

xe-tang-duc.png
Xe tăng Leopard 2 của Đức - Ảnh: Getty

Ba Lan, trước đó đã đề xuất rằng Leopard do Đức sản xuất có thể được chuyển giao thông qua một liên minh rộng lớn hơn gồm các nước châu Âu. “Một đại đội xe tăng Leopard cho Ukraine sẽ được chuyển giao như một phần của việc xây dựng liên minh quốc tế. Quyết định như vậy đã được đưa ra ở Ba Lan”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda viết trên Twitter. Trở ngại lớn đối với các vụ chuyển giao này là Berlin cần bật đèn xanh cho việc cấp phép xuất khẩu vũ khí do Đức sản xuất.

Phát biểu với điều kiện giấu tên, hai quan chức Đức cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang phụ thuộc rất nhiều vào lập trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo Đức, Mỹ đã phối hợp chặt chẽ khi đưa ra một tuyên bố chung vào tuần trước thông báo về việc cung cấp chung các phương tiện chiến đấu bộ binh cho Ukraine.

Tại một cuộc mít tinh bầu cử khu vực ở Berlin hôm 9.1, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận về việc cung cấp vũ khí với Tổng thống Mỹ, nói rằng việc giao xe tăng cho Ukraine phải được thảo luận “cùng với bạn bè và đồng minh và đặc biệt là với đối tác xuyên Đại Tây Dương, với Mỹ”.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, ông Steffen Hebestreit nói rằng, quyết định tuần trước của ông Scholz và Biden đã đánh dấu “một bước mới về chất lượng” trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng các đồng minh “sẽ phải xem xét” những bước bổ sung nào có thể được thực hiện trong “sự phối hợp quốc tế”.

Tuy nhiên, các kế hoạch của Anh, dự kiến sẽ được công bố chính thức tại cuộc họp của các quan chức quốc phòng phương Tây tại căn cứ quân sự Ramstein ở Đức vào ngày 20.1, có thể sẽ tăng áp lực lên Đức vì Anh sẽ là quốc gia đầu tiên cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất.

Thông tin từ Dinh thự Thủ tướng Anh hôm 11.1 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đang dẫn đầu các cuộc thảo luận với các đồng minh phương Tây về cách gửi xe tăng tới Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần phản đối việc gửi Leopards bằng cách nói rằng Đức không được hành động một mình trong việc gửi xe tăng phương Tây - một lập luận sẽ bị vô hiệu bởi động thái mới nhất của Anh. Cho đến nay, các quốc gia chỉ cung cấp xe tăng chiến đấu cũ thời Liên Xô cho Ukraine, nhưng kho dự trữ các phương tiện này cũng như đạn dược ngày càng cạn kiệt, và nhận thức ngày càng tăng rằng Kyiv cần hỗ trợ thêm trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công mới của Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với Đài truyền hình công cộng ARD của Đức hôm 11.1 rằng, ông tin chắc rằng sớm hay muộn Đức sẽ đồng ý gửi xe tăng Leopard.

“Ngay cả khi Đức có những lý lẽ hợp lý nhất định để không làm điều đó, Đức vẫn sẽ làm điều đó. Chúng tôi đã chứng kiến điều này với pháo tự hành, với hệ thống phòng không IRIS-T, và gần đây nhất là với các hệ thống phòng không  Marders và Patriot. Đó luôn là một khuôn mẫu giống nhau: Đầu tiên họ nói 'không', sau đó họ quyết liệt bảo vệ quyết định của mình, chỉ để cuối cùng nói 'có'. Chúng tôi vẫn đang cố gắng hiểu tại sao chính phủ Đức lại làm điều này với chính họ”, ông Kuleba cho hay.

Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Đức và là nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đối tác liên minh tự do của ông Scholz, cũng thúc giục Thủ tướng Đức tuân theo các kế hoạch của Anh và từ bỏ việc miễn cưỡng gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine.

“Sau Marder, Leopard phải được nối gót để Ukraine có thể tự vệ thành công trước cuộc chiến. Đức cuối cùng phải đi đầu về mặt chiến lược và không nên chỉ phản ứng khi tình hình ở Ukraine xấu đi”, Strack-Zimmermann nói với Politico.

Lý do gì khiến Mỹ dường như chưa sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine trong tương lai gần?

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine đang tiếp tục về việc cung cấp xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, nhưng có rất ít tiến triển khi chính quyền Tổng thống Biden cho rằng giải pháp do châu Âu dẫn đầu là tốt nhất.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã do dự trong việc cung cấp Abrams cho Ukraine do những thách thức đáng kể về bảo trì và duy trì.

Laura Cooper, Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Nga, Ukraine và Á-Âu nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) tuần trước: “Chắc chắn chúng tôi biết rằng xe tăng Abrams ngoài việc ngốn xăng còn rất khó bảo trì. Đó là về khả năng phù hợp ở nhiều khía cạnh và bảo trì và duy trì là một trong số đó”.

Các quan chức Ukraine đã gợi ý rằng Mỹ chỉ cần gửi một số ít xe tăng Abrams - ít nhất là năm chiếc - để thúc đẩy châu Âu hành động. Tuy nhiên, cho đến nay, Lâu Năm Góc vẫn chưa đưa ra bất kỳ động thái “bật đèn xanh” nào cho việc giao xe tăng Abrams cho Ukraine.

Bài liên quan
Ông Zelensky bất bình khi Thủ tướng Đức gọi cho ông Putin
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích và nói rằng cuộc điện đàm mới nhất giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở “chiếc hộp Pandora”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức quyết không giao xe tăng hiện đại cho Ukraine bất chấp áp lực từ đồng minh