Ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thì Paris đã bất ngờ có thái độ mềm mỏng với Canberra khi tuyên bố sẽ cho Đại sứ quay lại Úc.

Dưới sự tác động từ Mỹ, Pháp miễn cưỡng cử Đại sứ quay lại Úc

07/10/2021, 08:21

Ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thì Paris đã bất ngờ có thái độ mềm mỏng với Canberra khi tuyên bố sẽ cho Đại sứ quay lại Úc.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Pháp chiều ngày 6.10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo sẽ cử Đại sứ quay lại Úc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Giải thích việc Pháp cử Đại sứ nước này quay trở lại, ông Le Drian nêu hai mục đích: trước mắt là bảo vệ lợi ích của nước Pháp trong việc giải quyết hợp đồng tàu ngầm vừa bị hủy bỏ giữa Pháp và Úc còn lâu dài là tái định hình mối quan hệ tương lai giữa Pháp và Úc.

Tuy nhiên, ông Jean-Yves Le Drian không cho biết thời điểm nào thì Đại sứ Pháp tại Úc, ông Jean-Pierre Thébault sẽ quay lại đảm nhận tiếp nhiệm vụ tại Canberra.

blinken-macron.jpg
Ngoại trưởng Mỹ và Tổng thống Pháp - Ảnh: Internet

Có thể coi đây là thành quả từ chuyến thăm Pháp của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 5.10 nhằm xoa dịu nỗi ấm ức của Pháp với các nước trong thỏa thuận AUKUS.

Quan hệ giữa Pháp với Mỹ, Anh và đặc biệt là Úc xấu đi nghiêm trọng sau sự kiện ba nước Úc - Anh - Mỹ ra mắt liên minh an ninh AUKUS hôm 15.9, dẫn đến việc Úc hủy bỏ hợp đồng lịch sử mua 12 tàu ngầm động cơ điện-diesel ký với Pháp năm 2016 trị giá hàng chục tỉ USD để chuyển sang mua các tàu ngầm mang động cơ hạt nhân của Mỹ - Anh.

Pháp coi sự kiện này là một hành động “đâm sau lưng” của các nước đồng minh, đồng thời phản ứng lập tức bằng việc cho triệu hồi Đại sứ Pháp tại Mỹ và Úc về nước. Nhưng cuối tháng 9, Pháp đã tuyên bố cho đại sứ trở lại Mỹ để tránh đẩy quan hệ căng thẳng với Washington đi quá xa sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm. Chỉ có điều, Paris quyết không đối thoại với Úc và còn gây ảnh hưởng để châu Âu bày tỏ thái độ lạnh nhạt với Úc trong các đàm phán kinh tế.

Những ngày qua, Úc bày tỏ thái độ làm lành với Pháp nhưng điện Elysee không đoái hoài. Khác cách ứng xử với Mỹ, Tổng thống Pháp Macron đã từ chối cuộc điện đàm từ Thủ tướng Úc Scott Morrison khi nhà lãnh đạo này muốn xoa dịu bầu không khí căng thẳng giữa 2 bên. Thậm chí, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan vốn dự định sẽ tới Paris vào tuần sau nhưng người đồng cấp Pháp Frank Riester đã từ chối gặp ông, một nguồn tin thân cận với Bộ trưởng Pháp cho hay.

Với thái độ cứng rắn của Pháp như vậy mà bỗng dưng lại mềm mỏng hơn với Úc thì chỉ có thể Mỹ mới làm được. Nếu không có chuyến thăm Paris của Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm 5.10 thì chắc không có thông báo ngay ngày hôm sau về việc Pháp đưa đại sứ trở lại Úc. Đây tạm coi là món quà của Pháp với Mỹ trước khi hai nhà lãnh đạo chuẩn bị nói chuyện và gặp .

Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo, vào giữa tháng 10.2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp tục có cuộc điện đàm thứ hai với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trước khi hai nguyên thủ có cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10.2021 tại Roma, Italia.

Còn với Anh - nước thứ 3 trong thỏa thuận AUKUS, Pháp vẫn chưa hết giận người láng giềng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng khẳng định, bất đồng giữa Pháp và EU với Vương quốc Anh đang gia tăng trong một loạt các vấn đề, từ nghề cá, điều khoản Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit, đồng thời vấn đề cốt lõi của cuộc khủng hoảng vừa qua vẫn chưa được giải quyết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dưới sự tác động từ Mỹ, Pháp miễn cưỡng cử Đại sứ quay lại Úc