Dương Thị Bạch Diệp đã lớn tiếng gây mất trật tự, xông lên bục khai báo để phản ứng, khiến lực lượng cảnh sát phải dẫn giải các bị cáo ra ngoài. Sự việc này khiến phiên tòa phải tạm dừng gần 1 tiếng.
Sáng 17.3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.
Trong phiên xử sáng nay, thẩm phán Phạm Lương Toản, chủ tọa phiên tòa công bố một số bút lục lời khai của bà Diệp tại cơ quan điều tra (có sự chứng kiến của luật sư), với nội dung bà thừa nhận đã mang tài sản số 57 Cao Thắng thế chấp ngân hàng.
Lúc này, bà Diệp kêu khóc, la hét, phản đối việc công bố các bút lục và cho rằng các lời khai chủ tọa phiên tòa công bố là không có thật. Chủ tọa phiên tòa giải thích rằng hội đồng xét xử chưa có đánh giá gì về tài liệu trên, chỉ công bố để hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát, các luật sư có cái nhìn toàn diện về vụ án.
Tuy nhiên, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã lớn tiếng gây mất trật tự, xông lên bục khai báo để phản ứng, khiến lực lượng cảnh sát phải dẫn giải các bị cáo ra ngoài. Sự việc này khiến phiên tòa phải tạm dừng gần 1 tiếng. Khi bắt đầu trở lại, Hội đồng xét xử thông báo đã lập biên bản ghi nhận tình huống pháp lý này.
Nội dung biên bản nêu rõ: Trong lúc Chủ tọa đang công bố lời khai của bà Vũ Thị Tuyết Cẩm và lời khai của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đang được lưu giữ tại hồ sơ vụ án, bị cáo Diệp có thái độ phản đối, la hét, cho rằng bản khai này là giả mạo.
Chủ tọa yêu cầu bị cáo Diệp giữ trật tự nhưng bị cáo không chấp hành, la hét, cho rằng Chủ tọa thiên vị, muốn buộc tội. Bị cáo tự ý tiến đến bục khai báo la hét, phản đối việc Chủ tọa tiếp tục công bố lời khai và biên bản ghi cung. Do bị cáo Diệp tiếp tục không chấp hành việc điều hành phiên tòa, Chủ tọa đã yêu cầu lực lượng an ninh dẫn giải đưa bị cáo ra ngoài phòng xử để giữ trật tự phiên tòa.
Biên bản có chữ ký của các cơ quan tiến hành tố tụng; các luật sư của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp từ chối ký xác nhận biên bản như đề nghị của Chủ tọa phiên tòa và Thẩm phán Phạm Lương Toản. Bị cáo Nguyễn Thành Tài cũng từ chối ký biên bản sau khi nghe tư vấn của luật sư bào chữa.
Ngay sau đó, các luật sư bào chữa cho bà Diệp có đơn gửi hội đồng xét xử, đề nghị dừng phiên tòa do bà Diệp bị bệnh tim, có dấu hiệu chuyển biến nặng. Các bác sĩ kiểm tra và cho biết hiện tại sức khỏe bà Diệp tạm thời ổn định nhưng cần nghỉ ngơi, theo dõi vì bị cáo đã lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền, nếu tiếp tục phiên tòa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bị cáo.
Cho rằng kiến nghị của các luật sư là có căn cứ, chủ tọa phiên tòa quyết định tạm dừng phiên tòa 5 ngày để bà Diệp được kiểm tra, chăm sóc sức khỏe. Dự kiến ngày 22.3, phiên tòa sẽ được tiếp tục.
Theo cáo trạng, nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là tài sản nhà nước được giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, nay là Sở Văn hóa và Thể Thao) quản lý và làm trụ sở.
Do cơ sở 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do Dương Thị Bạch Diệp làm Giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở. Bị cáo Diệp đề xuất hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) để lấy mặt bằng 185 Hai Bà Trưng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa tài sản này vào ngân hàng để rút giấy chứng nhận nhà đất số 57 Cao Thắng ra bàn giao, sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như đã cam kết.
Thay vào đó, bị cáo Diệp tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng để thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không có khả năng trả nợ, khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (được định giá hơn 186 tỷ đồng tại thời điểm tháng 10.2010).