Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh hơn người thông minh nhất có thể được phát triển vào năm 2025 hoặc 2026.
Trong cuộc phỏng vấn trên X Space, Elon Musk nói với Nicolai Tangen rằng AI bị hạn chế bởi nguồn cung cấp điện và phiên bản tiếp theo Grok, chatbot AI từ công ty khởi nghiệp xAI của ông, dự kiến sẽ được đào tạo vào tháng 5. Nicolai Tangen là Giám đốc điều hành Norges Bank Investment Management – chi nhánh của ngân hàng trung ương Na Uy chịu trách nhiệm quản lý quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.
"Nếu bạn định nghĩa AGI (AI tổng quát) là thông minh hơn người thông minh nhất, tôi nghĩ nó có thể được phát triển vào năm tới, hoặc trong vòng hai năm nữa", Elon Musk trả lời khi được hỏi về mốc thời gian phát triển AGI.
Tỷ phú đồng sáng lập OpenAI cho biết việc thiếu chip tiên tiến đang cản trở việc đào tạo mô hình phiên bản Grok 2.
Elon Musk thành lập xAI vào năm ngoái để cạnh tranh với OpenAI. Cuối tháng 2, Elon Musk đã đệ đơn kiện chống lại OpenAI, Giám đốc điều hành Sam Altman và Chủ tịch Greg Brockman, cáo buộc công ty khởi nghiệp này đã đi chệch khỏi sứ mệnh xây dựng AI có trách nhiệm và trở nên phụ thuộc vào Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của nó. OpenAI phủ nhận các cáo buộc của Elon Musk.
Elon Musk cho biết việc đào tạo mô hình Grok 2 cần khoảng 20.000 bộ xử lý đồ họa (GPU) Nvidia H100, đồng thời nói thêm rằng phiên bản Grok 3 trở lên sẽ yêu cầu 100.000 Nvidia H100. Nvidia H100 hiện là GPU mạnh nhất trên thị trường hiện nay với giá đắt đỏ, khoảng 25.000 - 36.000 USD/đơn vị và khi khan hàng có thể lên đến 40.000 USD/đơn vị (gần 1 tỉ đồng). Thông số kỹ thuật cho thấy Nvidia H100 mạnh gấp ba so với phiên bản trước A100, nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1,5 - 2 lần.
xAI từng định vị Grok như một giải pháp thay thế sắc sảo hơn cho ChatGPT của OpenAI và các dịch vụ AI khác. Công ty khởi nghiệp này từng thông báo Grok sẽ “trả lời những câu hỏi hóc búa mà hầu hết hệ thống AI khác từ chối”. Grok được đào tạo bằng cách sử dụng dữ liệu do X thu thập, điều này sẽ khiến chatbot của xAI trở nên cập nhật hơn với thông tin mới.
Theo Elon Musk, dù tình trạng thiếu chip là một hạn chế lớn cho sự phát triển của AI đến nay, nguồn cung cấp điện sẽ rất quan trọng trong 1 hoặc 2 năm tới.
AI đã tác động lớn đến cuộc sống hàng triệu người trên thế giới, nhưng mặt trái là công nghệ này đang tiêu thụ rất nhiều điện năng.
Theo trang The New Yorker, ChatGPT có thể đang sử dụng hơn nửa triệu kilowatt-giờ (kWh) điện để đáp ứng khoảng 200 triệu truy vấn từ người dùng mỗi ngày.
The New Yorker đưa tin một hộ gia đình ở Mỹ trung bình sử dụng khoảng 29 kilowatt-giờ điện mỗi ngày. Theo đó, ChatGPT tiêu thụ lượng điện nhiều gấp 17.000 lần một hộ gia đình ở Mỹ mỗi ngày.
Nếu được tiếp tục được cải tiến và sử dụng nhiều hơn, ChatGPT nói riêng và AI tạo sinh nói chung có thể tiêu thụ nhiều điện hơn đáng kể.
Ví dụ, nếu Google tích hợp công nghệ AI tạo sinh vào mọi tìm kiếm thì sẽ dẫn đến việc tiêu thụ khoảng 29 tỉ kilowatt-giờ điện mỗi năm, theo tính toán của Alex de Vries, nhà khoa học dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Hà Lan, trong một bài báo về năng lượng bền vững đăng trên tạp chí Joule. Theo The New Yorker, đó là lượng điện nhiều hơn các quốc gia như Kenya, Guatemala và Croatia tiêu thụ trong một năm.
“AI tiêu thụ rất nhiều điện năng. Mỗi máy chủ AI đều có thể tiêu thụ nhiều điện năng hơn chục hộ gia đình ở Anh cộng lại. Vì vậy, con số tăng lên rất nhanh", de Vries nói với trang Insider.
Tuy nhiên, rất khó để ước tính lượng điện mà ngành công nghiệp AI tiêu thụ. Theo trang The Verge, có sự khác biệt đáng kể trong cách các mô hình ngôn ngữ lớn vận hành và các hãng công nghệ lớn (vốn đang thúc đẩy sự bùng nổ AI) vẫn chưa công bố chính xác về việc sử dụng năng lượng của họ.
Trong bài báo của mình, Alex de Vries đã đưa ra tính toán sơ bộ như trên dựa vào số liệu được Nvidia công bố. Nvidia là hãng chip lớn nhất và có giá trị nhất thế giới. Theo số liệu từ hãng New Street Research, Nvidia chiếm khoảng 95% thị phần GPU.
Alex de Vries ước tính trong bài báo rằng đến năm 2027, toàn bộ lĩnh vực AI sẽ tiêu thụ từ 85 đến 134 terawatt-giờ điện (1 terawatt-giờ bằng 1 tỉ kilowatt-giờ) mỗi năm.
Ông nói với trang The Verge: “Mức tiêu thụ điện của AI có khả năng chiếm một nửa lượng tiêu thụ điện toàn cầu vào năm 2027. Tôi nghĩ đó là một con số khá đáng kể”.
Một số doanh nghiệp sử dụng điện năng nhiều nhất thế giới thậm chí không bằng con số nêu trên. Theo tính toán từ Insider dựa trên báo cáo của hãng Consumer Energy Solutions, Samsung Electronics sử dụng gần 23 terawatt-giờ điện mỗi năm, trong khi gã khổng lồ công nghệ Google dùng hơn 12 terawatt-giờ điện mỗi năm và Microsoft xài hơn 10 terawatt-giờ điện mỗi năm để vận hành các trung tâm dữ liệu, mạng, thiết bị người dùng.
Trở lại với cuộc phỏng vấn trên X Space, khi phát biểu về ô tô điện, Elon Musk nhắc lại rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là "có tính cạnh tranh nhất trên thế giới và đặt ra những thách thức cạnh tranh khó khăn nhất với Tesla”.
Trước đó, ông đã cảnh báo rằng các công ty ô tô điện Trung Quốc sẽ đánh bại những đối thủ toàn cầu nếu không có rào cản thương mại.
Ngoài ra, Elon Musk đề cập đến cuộc đình công của công đoàn ở Thụy Điển chống lại Tesla, nói rằng: "Tôi nghĩ cơn bão đã đi qua trên mặt trận đó".
Nicolai Tangen cho biết Norges Bank Investment Management (quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 1.500 tỉ USD của Na Uy), một trong những cổ đông lớn nhất của Tesla, đã gặp mặt chủ tịch công ty xe điện này là bà Robyn Denholm vào tháng trước và nhận được cập nhật về tình hình.
Elon Musk: Xác suất AI hủy diệt loài người là 20%
Tại cuộc hội thảo Great AI Debate trong khuôn khổ hội nghị Abundance Summit gần đây, Elon Musk tin rằng lợi ích AI mang lại vượt trội rủi ro, ngay cả khi có 20% khả năng công nghệ này hủy diệt loài người.
Ông nói: "Tôi nghĩ có khả năng AI sẽ hủy diệt loài người. Tôi có lẽ đồng ý với Geoff Hinton (người được mệnh danh là ‘cha đẻ AI’ - PV) rằng xác suất khoảng 10 - 20% hoặc tương đương như vậy". Tuy nhiên, Elon Musk nói thêm: "Tôi nghĩ rằng kịch bản tích cực có thể xảy ra sẽ lớn hơn kịch bản tiêu cực".
Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX và xAI không đề cập đến cách ông tính toán rủi ro về AI.
Theo Roman Yampolskiy, nhà nghiên cứu an toàn AI và Giám đốc Phòng thí nghiệm An ninh mạng tại Đại học Louisville (Mỹ), Elon Musk nói đúng khi cho rằng AI có thể là mối đe dọa hiện hữu với nhân loại, nhưng "nếu có thì ông ấy còn hơi bảo thủ trong đánh giá của mình".
Roman Yampolskiy chia sẻ với trang Insider: "Theo quan điểm của tôi, xác suất diệt vong thực tế cao hơn nhiều", đề cập đến khả năng AI nắm quyền kiểm soát loài người hoặc gây ra sự kiện hủy diệt nhân loại, chẳng hạn tạo ra một loại vũ khí sinh học mới hoặc gây ra sự sụp đổ của xã hội do một cuộc tấn công mạng hoặc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn.
Tờ New York Times gọi xác suất diệt vong là "số liệu thống kê mới đáng sợ đang lan rộng khắp Thung lũng Silicon", với giám đốc điều hành các hãng công nghệ khác nhau ước tính có từ 5 đến 50% khả năng xảy ra ngày tận thế do AI. Trong khi Roman Yampolskiy đặt rủi ro ở mức đến 99,999999%.
Roman Yampolskiy cho biết vì không thể kiểm soát được AI tiên tiến, hy vọng duy nhất của chúng ta là không bao giờ xây dựng nó ngay từ đầu.
Ông không chắc tại sao Elon Musk vẫn tin rằng phát triển công nghệ này là ý tưởng hay. Roman Yampolskiy nói: "Nếu Musk lo lắng về việc các đối thủ đi trước thì điều đó không thành vấn đề vì siêu trí tuệ không được kiểm soát đều tồi tệ như nhau, bất kể ai tạo ra nó".
"Phát triển AGI giống nuôi dạy đứa trẻ siêu thiên tài"
Tháng 11.2023, Elon Musk nói rằng có khả năng "không hề nhỏ" là AI sẽ "trở nên tồi tệ", nhưng không nói xa hơn rằng ông tin công nghệ này có thể hủy diệt loài người.
Tại hội nghị Abundance Summit, Elon Musk ước tính trí tuệ số sẽ vượt quá tất cả trí thông minh của con người cộng lại vào năm 2030. Dù vẫn cho rằng những mặt tích cực tiềm năng của AI vượt trội mặt tiêu cực, Elon Musk đã nhận thức về rủi ro với thế giới nếu tiếp tục phát triển của công nghệ này theo quỹ đạo hiện tại.
"Bạn đang phát triển một AGI. Điều này gần giống nuôi dạy một đứa trẻ, nhưng nó là siêu thiên tài, có trí tuệ như Chúa và điều quan trọng là bạn nuôi dạy nó như thế nào", Elon Musk nói tại sự kiện diễn ra ở Thung lũng Silicon.
Tỷ phú 52 tuổi người Mỹ cho biết "kết luận cuối cùng" của ông về cách tốt nhất để đạt được sự an toàn cho AI là phát triển AI theo cách buộc nó phải trung thực.
“Đừng ép nó nói dối, ngay cả khi sự thật khó chịu. Điều này rất quan trọng. Đừng bắt AI nói dối”, Elon Musk nhận định về cách tốt nhất để giữ an toàn cho con người trước công nghệ này.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một khi AI học cách nói dối con người, hành vi lừa đảo sẽ không thể đảo ngược bằng các biện pháp an toàn AI như hiện tại, trang The Independent đưa tin.
“Nếu một mô hình thể hiện hành vi lừa dối do liên kết với sự không trung thực hoặc đầu độc mô hình, các kỹ thuật đào tạo hiện tại sẽ không đảm bảo an toàn và thậm chí có thể tạo ra ấn tượng sai lầm về an toàn”, theo nghiên cứu được The Independent trích dẫn.
Điều đáng lo ngại hơn là các nhà nghiên cứu nói rằng rất có thể AI sẽ tự học cách lừa dối thay vì được dạy cụ thể để nói dối.
“Nếu thông minh hơn chúng ta nhiều, AI sẽ rất giỏi trong việc thao túng vì đã học được điều đó từ chúng ta. Có rất ít ví dụ về việc một thứ thông minh hơn bị điều khiển bởi thứ kém thông minh hơn”, Geoff Hinton, người đóng vai trò là cơ sở để Elon Musk đánh giá rủi ro về công nghệ này, nói với CNN.