Một nhóm tin tặc Nga đã nhận trách nhiệm vụ tấn công mạng của Estonia, sau khi nước này phá dỡ một tượng đài được xây dựng thời Liên Xô.

Estonia bị tin tặc Nga tấn công vì phá dỡ tượng đài thời Liên Xô

Bảo Vĩnh | 19/08/2022, 18:12

Một nhóm tin tặc Nga đã nhận trách nhiệm vụ tấn công mạng của Estonia, sau khi nước này phá dỡ một tượng đài được xây dựng thời Liên Xô.

Chính phủ Estonia hôm 18.8 nói đã đẩy lui một đợt tấn công tin tặc lớn vào các cơ quan chính quyền nước này.

Luukas Ilves, một quan chức phụ trách mảng chuyển đổi số thuộc Bộ Kinh tế - Thông tin Estonia, cho biết, hôm 17.8, Estonia bị một vụ tấn công tin tặc lớn nhất kể từ năm 2007 đến nay, nhưng hậu quả không nghiêm trọng, các trang web vẫn vận hành trơn tru cả ngày, đến độ “hầu như cả nước không biết”.

Nhóm hacker Killnet ở Nga đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này, cho biết đã chặn sự truy cập vào hơn 200 cơ quan nhà nước và tư nhân của Estonia, gồm một hệ thống cấp căn cước công dân trực tuyến và các cơ quan chính quyền.

Tuy nhiên, ông Ilves nói “âm mưu tấn công này không có tác dụng”.

xoa-estonia-1-a-ap.jpeg
Phá dỡ tượng đài xe tăng T-34 ở Estonia - Ảnh : AP

Điện Kremlin chỉ trích Estonia dẹp bỏ tượng đài xe tăng

Killnet giải thích vụ tấn công mạng này là để phản ứng việc Estonia hôm 16.8 di dời một tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân tử trận hồi Thế chiến 2.

Tượng đài này là chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô từng được trưng bày ở Narva, một thị trấn vùng biên giáp Nga, nay chuyển về Bảo tàng Chiến tranh Estonia - cách thủ đô Tallin 200 km về phía bắc.

Chính quyền Estonia giải thích vụ di dời rằng Nga có thể dùng các tượng đài thời Liên Xô để phá rối trật tự và gây chia rẽ tại Estonia, nơi có một cộng đồng nói tiếng Nga sinh sống.

Thủ tướng Kaja Kallas giải thích: “Một chiếc xe tăng là một vũ khí giết người, không phải là một tượng đài, và những chiếc tăng này đang giết người trên đường phố Ukraine”.

Ngoại trưởng Urmas Reinsalu của Estonia ngày 18.8 bảo vệ quyết định phá dỡ tượng đài xe tăng: “Một điều chúng tôi học được từ quá khứ chính là phải hành động kiên quyết, và không để leo thang căng thẳng”.

Estonia còn phá dỡ 6 tượng đài trong kế hoạch phá dỡ khoảng 400 tượng đài khác ở các điểm công cộng.

Kế hoạch này đã gây tranh cãi, vì ban đầu chính quyền phản đối ý tưởng di dời các tượng đài bởi người dân địa phương xem các tượng đài là một phần bản sắc của thành phố Tallin.

Điện Kremlin đã chỉ trích quyết định dẹp bỏ tượng đài xe tăng ở Narva. Người phát ngôn Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi phẫn nộ trước việc loại bỏ các tượng đài của đất nước đã cứu châu Âu khỏi ách phát xít. Quyết định này cũng chẳng giúp bất kỳ quốc gia nào trở nên tốt đẹp, gồm Estonia”.

Từ khi tách khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập năm 1991, Estonia đã phá dỡ nhiều tượng đài tôn vinh Liên Xô, với cớ các tượng đài chỉ khiến người dân nhớ thời gian Estonia bị chiếm đóng.

Hồi năm 2007, việc di dời một tượng đài Hồng quân Liên Xô đã gây ra những vụ gây rối suốt nhiều ngày.

xoa-tuong-dai-lien-xo-3.jpg
Tượng đài Chiến thắng ở Latvia - Ảnh : SNA

Kế hoạch phá dỡ các tượng đài Liên Xô gây tranh cãi

Estonia cùng hai nước láng giềng Litva và Latvia ở vùng biển Baltic từng có 50 năm thuộc Liên Xô, ngày nay đã gia nhập EU và NATO. Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, 3 nước này ủng hộ mạnh các quyết định trừng phạt Nga cũng như viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine.

Theo báo Đức Deutsche Welle, việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã “thổi lửa” vào việc các chính phủ vùng Baltic phá dỡ các tượng đài thời Liên Xô.

Hồi đầu năm 2022, các nghị sĩ Latvia thông qua một luật qui định phá dỡ tất cả các tượng đài tôn vinh Liên Xô kể từ ngày 15.11 tới.

Tuy nhiên, không hẳn tất cả người dân đều đồng ý với kế hoạch này, nhất là cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga.

Tại Latvia, nhiều người dân cho rằng tượng đài Chiến thắng ở thủ đô Riga là không thể chấp nhận được, nhưng đa số người thuộc nhóm dân nói tiếng Nga vẫn ghi nhớ ý nghĩa của các tượng đài.

Tượng đài Chiến thắng được dựng năm 1985, để kỷ niệm 40 năm ngày Hồng quân Liên Xô đánh thắng phát xít Đức hồi Thế chiến 2. Tên chính thức là Tượng đài các chiến sĩ giải phóng Xô Viết Latvia và Riga khỏi quân phát xít Đức xâm lược”.

Tại Litva cũng có tranh cãi nóng về các tượng đài thời Liên Xô. Hồi tháng 7, vụ phá dỡ một tượng đài tôn vinh chiến thắng của Hồng quân Liên Xô được tiến hành ở thành phố Klaipeda. Những phần còn lại là phần tường ghi tên các liệt sĩ Liên Xô.

Ban đầu, các chuyên gia của chính quyền địa phương chỉ đề nghị phá dỡ các chi tiết nhỏ như thanh gươm hoặc ngôi sao 5 cánh.

xoa-tuong-dai-lien-xo-5.jpg

Tượng đài Liên Xô ở Klaipeda - Ảnh : PA

Tranh cãi về các tượng đài thời Liên Xô cũng nóng ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Đầu tháng 8 này, tượng “Thế giới Hòa Bình” bị phá dỡ và đưa vào kho của Bảo tàng Nghệ thuật Helsinki. Đây là quà tặng của Liên Xô hồi năm 1989 và được khánh thành năm 1990. Tượng  này là một trong nhiều bản sao, nhưng là bản duy nhất không ở trong khối Liên Xô cũ.

Việc dựng tượng ngay từ đầu đã gây tranh cãi, với một sinh viên trát hắc ín và lông vịt lên tượng hồi năm 1991. Qua năm 2010 xảy ra một vụ âm mưu phá tượng bằng mìn nhưng bất thành.

xoa-tuong-dai-lien-xo-6(1).jpg

Tượng “Hòa bình Thế giới” Helsinki - Ảnh : DW

Đức tôn trọng các tượng đài thời Liên Xô

Các tượng đài thời Liên Xô ở Đông Đức cũng là đề tài tranh cãi ồn ào. Một số tượng bị phá hoại, số khác bị quấn cờ. Hồi đầu tháng 3.2022, nghị sĩ Stefanie Bung của đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) kêu gọi phá dỡ các kiểu súng và xe tăng khỏi một tượng đài ở thủ đô Berlin, nhưng thượng viện Berlin bác đề xuất này.

Cùng trong tháng 3, chính khách Stefan Scharf thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) viết Twitter rằng không nên giữ tượng đài Liên Xô ở Dresden, nơi mà Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 của Hồng quân Liên Xô trú đóng từ 1945 đến năm 1993.

Nhưng kêu gọi của ông không được lắng nghe, vì Hiệp ước 2 + 4 đã qui định Đức có trách nhiệm tôn trọng và bảo tồn các tượng đài Liên Xô trên nước Đức.

xoa-tuong-dai-lien-xo-7.jpg

Tượng đài tưởng niệm cuộc chiến vệ quốc Liên Xô ở Dresden - Ảnh : PA

Hiệp ước 2 + 4 có tên chính thức là Hiệp ước cuối cùng về giải pháp cuối cùng liên quan tới Đức, đạt được hồi năm 1990, giữa Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Dân chủ Đức và 4 nước chiến thắng Thế chiến 2 là Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Estonia bị tin tặc Nga tấn công vì phá dỡ tượng đài thời Liên Xô