Các nhà đàm phán ở Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận chính trị tạm thời cho Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI), mở đường cho việc giám sát các dịch vụ như ChatGPT.
Nhịp đập khoa học

EU đạt được thỏa thuận về các quy tắc AI toàn diện đầu tiên trên thế giới

Sơn Vân 09/12/2023 10:46

Các nhà đàm phán ở Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận chính trị tạm thời cho Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI), mở đường cho việc giám sát các dịch vụ như ChatGPT.

Các nhà đàm phán của EU hôm 8.12 đã đạt được thỏa thuận về những quy tắc AI toàn diện đầu tiên trên thế giới, mở đường cho việc giám sát pháp lý với công nghệ được sử dụng trong một số dịch vụ generative AI (AI tạo sinh) phổ biến như ChatGPT, hứa hẹn sẽ thay đổi cuộc sống hàng ngày và thúc đẩy cảnh báo về những mối nguy hiểm hiện hữu với nhân loại.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Các nhà đàm phán từ Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên của EU đã vượt qua khác biệt lớn về những điểm gây tranh cãi, gồm cả AI và việc cảnh sát sử dụng giám sát nhận dạng khuôn mặt, để ký một thỏa thuận chính trị tạm thời cho Đạo luật AI.

"Đạt được thỏa thuận! EU trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng AI", Thierry Breton - Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU đăng trên X tối 8.12. Điều đó diễn ra sau các cuộc đàm phán kín kéo dài trong tuần này.

Các quan chức cung cấp rất ít thông tin chi tiết về những gì sẽ đưa vào luật cuối cùng, sẽ không có hiệu lực trước năm 2025.

EU đã sớm dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm xây dựng các rào cản AI khi công bố bản dự thảo đầu tiên cuốn sách quy tắc của mình vào năm 2021. Tuy nhiên, sự bùng nổ gần đây của generative AI đã khiến các quan chức châu Âu phải nhanh chóng cập nhật đề xuất, sẵn sàng phục vụ như một bản mẫu cho thế giới.

Nghị viện châu Âu vẫn sẽ cần bỏ phiếu về vấn đề này vào đầu năm 2024, nhưng với thỏa thuận đã ký thì đó chỉ là một thủ tục, Brando Benifei (Nghị sĩ Nghị viện châu Âu) cho biết cuối ngày 8.12.

“Thỏa thuận về các quy tắc AI rất tốt. Rõ ràng là chúng tôi phải chấp nhận một số thỏa hiệp nhưng nhìn chung là rất tốt”, Brando Benifei nói sau khi được hỏi liệu nó có chứa mọi thứ ông muốn không.

eu-dat-duoc-thoa-thuan-ve-cac-quy-tac-ai-toan-dien-dau-tien-tren-the-gioi.jpg
EU tuyên bố đây là lục địa đầu tiên đặt ra các quy định về sử dụng AI - Ảnh: Shutterstock

Các hệ thống generative AI đã bùng nổ trên thế giới, khiến người dùng kinh ngạc với khả năng tạo ra văn bản, ảnh và bài hát giống con người nhưng làm dấy lên lo ngại về những rủi ro mà công nghệ đang phát triển nhanh chóng gây ra cho việc làm, quyền riêng tư và bảo vệ bản quyền, thậm chí cả cuộc sống của con người.

Giờ đây, Mỹ, Anh, Trung Quốc và các liên minh toàn cầu như G7 (nhóm 7 nền dân chủ lớn) đã đưa ra các đề xuất riêng để quản lý AI.

Sau khi phiên bản cuối cùng Đạo luật AI được hoàn thiện, văn bản cần được sự chấp thuận của 705 nhà làm luật EU trước khi họ tham gia cuộc bỏ phiếu toàn khối này vào năm 2024. Cuộc bỏ phiếu đó được cho là chỉ mang tính hình thức.

Đạo luật AI ban đầu được thiết kế để giảm thiểu mối nguy hiểm từ các chức năng AI cụ thể dựa trên mức độ rủi ro của chúng, từ thấp đến không thể chấp nhận được. Thế nhưng, các nhà làm luật đã thúc đẩy việc mở rộng nó sang các mô hình AI, hệ thống tiên tiến làm nền tảng cho dịch vụ như ChatGPT hay Google Bard.

Các mô hình AI nền tảng dường như là một trong những điểm vướng mắc lớn nhất với châu Âu. Tuy nhiên, các nhà đàm phán đã sớm đạt được một thỏa hiệp tạm thời trong các cuộc đàm phán, bất chấp sự phản đối của Pháp. Nước này kêu gọi tự điều chỉnh để giúp các công ty AI nội địa ở châu Âu cạnh tranh với các đối thủ lớn của Mỹ, gồm cả Microsoft – nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI.

Các mô hình AI này (còn gọi là mô hình ngôn ngữ lớn) được đào tạo dựa trên vô số thông tin, tác phẩm viết và hình ảnh lấy từ internet. Mô hình ngôn ngữ lớn cung cấp cho các hệ thống generative AI khả năng tạo ra thứ gì đó mới không giống như AI truyền thống, vốn xử lý dữ liệu và hoàn thành nhiệm vụ bằng cách sử dụng các quy tắc định trước.

Theo thỏa thuận, các mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến nhất gây ra “rủi ro hệ thống” lớn nhất sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn, gồm cả các yêu cầu tiết lộ thêm thông tin như lượng sức mạnh tính toán được sử dụng để đào tạo hệ thống.

Những nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các mô hình ngôn ngữ lớn mạnh mẽ này, được xây dựng bởi một số hãng công nghệ lớn, có thể được sử dụng để tăng cường thông tin sai lệch và thao túng trực tuyến, tấn công mạng hoặc tạo ra vũ khí sinh học.

Các tổ chức về quyền cũng cảnh báo rằng việc thiếu minh bạch dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn sẽ gây ra rủi ro cho cuộc sống hàng ngày vì chúng đóng vai trò là cấu trúc cơ bản cho các nhà phát triển phần mềm xây dựng các dịch vụ được trang bị AI.

Chủ đề gai góc nhất là hệ thống giám sát nhận dạng khuôn mặt sử dụng AI nhưng các nhà đàm phán tìm thấy sự thỏa hiệp sau khi thương lượng căng thẳng.

Các nhà làm luật châu Âu muốn có lệnh cấm hoàn toàn với việc sử dụng chức năng quét khuôn mặt công cộng và hệ thống “nhận dạng sinh trắc học từ xa” khác vì lo ngại về quyền riêng tư. Trong khi chính phủ những nước thành viên EU muốn có sự miễn trừ để cơ quan thực thi pháp luật có thể sử dụng chúng đối phó với các tội phạm nghiêm trọng như bóc lột tình dục trẻ em hoặc tấn công khủng bố.

Bài liên quan
Đông Nam Á xem xét các quy tắc AI, thách thức tham vọng của EU
Các nước Đông Nam Á đang tiếp cận việc đưa ra quy định trí tuệ nhân tạo (AI) theo hướng thân thiện với doanh nghiệp, gây khó khăn cho nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc đẩy mạnh quy tắc đồng nhất toàn cầu phù hợp với khung quy tắc nghiêm ngặt riêng của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU đạt được thỏa thuận về các quy tắc AI toàn diện đầu tiên trên thế giới