Gã khổng lồ chip Nvidia (Mỹ) cho biết trong một hồ sơ pháp lý rằng các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Pháp đã yêu cầu thông tin về GPU (bộ xử lý đồ họa) của hãng với nhiều yêu cầu hơn dự kiến ​​trong tương lai.

Các nhà quản lý EU, Trung Quốc, Pháp tìm kiếm thông tin về GPU của Nvidia

Sơn Vân | 26/11/2023, 00:16

Gã khổng lồ chip Nvidia (Mỹ) cho biết trong một hồ sơ pháp lý rằng các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Pháp đã yêu cầu thông tin về GPU (bộ xử lý đồ họa) của hãng với nhiều yêu cầu hơn dự kiến ​​trong tương lai.

Nvidia là hãng chip lớn nhất thế giới được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và đồ họa máy tính. Nhu cầu về chip AI của Nvidia tăng vọt sau khi OpenAI phát hành ứng dụng generative AI (AI tạo sinh) ChatGPT vào tháng 11.2022.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Nvidia có khoảng 80% thị phần GPU, vượt xa các đối thủ phía sau là Intel và AMD. Với vốn hóa thị trường khoảng 1.180 tỉ USD, Nvidia là hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới.

GPU của Nvidia là thiết bị hiệu suất cao cho phép kết xuất và xử lý đồ họa mạnh mẽ để sử dụng trong chỉnh sửa video, chơi game và các hoạt động tính toán phức tạp khác. GPU thường có giá từ 1.000 USD, song giá những loại dành cho tác vụ AI có thể lên tới 10.000 USD. Các hệ thống AI chuyên dụng của Nvidia như DGX A100 có giá khởi điểm đến 199.000 USD.

Hầu hết hệ thống máy tính được sử dụng để cung cấp sức mạnh cho các dịch vụ generative AI đều sử dụng GPU của Nvidia.

Công ty Mỹ cho biết điều này đã thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

Nvidia cho biết trong hồ sơ pháp lý: “Chẳng hạn Cơ quan Cạnh tranh Pháp đã thu thập thông tin từ chúng tôi về hoạt động kinh doanh và sự cạnh tranh của chúng tôi trên thị trường GPU lẫn nhà cung cấp dịch vụ đám mây như một phần của cuộc điều tra đang diễn ra về sự cạnh tranh tại các thị trường đó”.

Cơ quan Cạnh tranh Pháp đã đột kích văn phòng địa phương của Nvidia vào tháng 9, một người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters.

“Chúng tôi cũng đã nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan quản lý ở EU và Trung Quốc liên quan đến việc bán GPU cũng như nỗ lực phân bổ nguồn cung của chúng tôi. Chúng tôi dự kiến sẽ nhận được thêm yêu cầu thông tin trong tương lai”, Nvidia nêu trong hồ sơ pháp lý.

cac-nha-quan-ly-eu-trung-quoc-phap-tim-kiem-thong-tin-ve-card-do-hoa-cua-nvidia.jpg
Nvidia cho biết trong một hồ sơ pháp lý rằng các cơ quan quản lý ở EU, Trung Quốc và Pháp đã yêu cầu thông tin về GPU của hãng với nhiều yêu cầu hơn dự kiến ​​trong tương lai - Ảnh: Internet

Cơ quan Cạnh tranh Pháp vào năm nay đã phát hành báo cáo về chức năng cạnh tranh của lĩnh vực điện toán đám mây. Cơ quan này đang xem xét sự thống trị thị trường các công ty đám mây như Amazon, Google và Microsoft có tác động tiêu cực đến cạnh tranh hay không.

Trong báo cáo, nhà chức trách Pháp cũng nhấn mạnh một số diễn biến mới, chẳng hạn như mô hình ngôn ngữ lớn và game trên nền tảng đám mây, có khả năng tác động đến sự cạnh tranh toàn ngành.

Nvidia hiện diện trong cả hai lĩnh vực này và nếu bất kỳ ai định thành lập công ty khởi nghiệp AI thì sẽ phải phụ thuộc vào Nvidia về GPU.

Cơ quan Cạnh tranh Pháp đã tiến hành khám xét và thu giữ chứng cứ không báo trước tại văn phòng của Vvidia, với sự cho phép của thẩm phán. Cơ quan này nói rằng việc Nvidia có vi phạm luật cạnh tranh hay không, chỉ có thể được xác định bằng một cuộc điều tra thực tế.

Động thái của nhà chức trách Pháp có thể sẽ kích hoạt cuộc chiến pháp lý tiếp sau.

“Về các bước tiếp theo sau, rất có thể sẽ có các thủ tục tố tụng tại tòa án chống lại cuộc đột kích và lệnh của thẩm phán cho phép khám xét”, Charlotte Colin-Dubuisson, đối tác chống độc quyền và đầu tư nước ngoài tại công ty luật Linklaters, nói.

Pháp từng đưa nhiều công ty công nghệ lớn vào tầm ngắm. Chẳng hạn vào năm 2021, nước này đã đưa ra mức phạt với Google do vi phạm luật cạnh tranh của EU. Hiện nay, trọng tâm của các cuộc điều tra đang nhắm vào lĩnh vực điện toán đám mây.

Nvidia trì hoãn ra mắt chip AI mới dành cho Trung Quốc

Theo hai nguồn tin của Reuters, Nvidia đã thông báo với khách hàng ở Trung Quốc rằng đang trì hoãn việc ra mắt chip AI mới mà hãng này thiết kế để tuân thủ các quy định xuất khẩu từ Mỹ cho đến quý đầu tiên năm 2024.

Các nguồn tin cho biết chip AI bị trì hoãn ra mắt là H20. Đây là chip AI mạnh nhất trong số ba chip dành cho Trung Quốc mà Nvidia đã phát triển để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ và có thể làm phức tạp thêm nỗ lực bảo toàn thị phần tại quốc gia châu Á trước các đối thủ địa phương như Huawei.

Trang SemiAnalysis đưa tin gã khổng lồ chip AI có trụ sở tại bang California (Mỹ) dự kiến ​​sẽ ra mắt ba sản phẩm mới sớm nhất là vào ngày 16.11. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết việc ra mắt H20 hiện đã bị lùi lại đến quý 1/2024, có thể là tháng 2 hoặc tháng 3.2024.

Cả hai nguồn tin của Reuters đều từ chối nêu tên vì thông tin được giữ bí mật. Nvidia từ chối bình luận.

Các nguồn tin đã được thông báo rằng H20 đang bị trì hoãn do vấn đề mà các nhà sản xuất máy chủ gặp phải trong việc tích hợp chip này.

Ngoài H20, Nvidia đang lên kế hoạch với L20 và L2, hai loại chip AI khác cho Trung Quốc tuân thủ các quy định xuất khẩu mới từ Mỹ hôm 17.10. Các nguồn tin cho biết L20 không gặp phải tình trạng chậm trễ và sẽ ra mắt theo lịch trình ban đầu. Nguồn tin của Reuters không chia sẻ thông tin về trạng thái của L2.

Nvidia đang đặt cược vào ba chip AI này để giúp họ bảo toàn thị phần tại Trung Quốc sau khi bị cấm vận chuyển A800 và H800 tiên tiến do Mỹ thắt chặt quy định xuất khẩu.

A800 và H800 được giới thiệu như những lựa chọn thay thế cho khách hàng Trung Quốc vào tháng 11.2022, khoảng một tháng sau khi Mỹ lần đầu tiên cấm xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Ngoài H800 và A800, L40S của Nvidia (chip AI ra mắt hồi tháng 8) cũng không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, card đồ họa GeForce RTX 4090 hiện được săn lùng tại Trung Quốc. Theo thông tin trên website Nvidia, GeForce RTX 4090 được sản xuất trên tiến trình 5 nanomet, hỗ trợ AI đem lại hiệu suất cao, đặc biệt khi xuất hình ảnh 3D phức tạp, chỉnh sửa video 8K và hỗ trợ "chơi game cực nhanh" cho PC chạy Windows.

Theo phân tích của SemiAnalysis về thông số kỹ thuật của chip, H20, L20 và L2 chứa hầu hết các tính năng mới nhất của Nvidia dành cho hoạt động AI, nhưng đã bị cắt giảm sức mạnh tính toán để tuân thủ các quy định mới từ Mỹ.

Nhiều tập đoàn lớn Trung Quốc như Alibaba, ByteDance, Baidu đã đặt đơn hàng chip AI trị giá tới 5 tỉ USD từ Nvidia. Tuy nhiên, theo lệnh cấm mới, đơn hàng này có nguy cơ bị hủy do Mỹ đẩy nhanh tiến độ thực hiện lệnh cấm.

Ngày 17.10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ ngăn các công ty nước này bán chip AI cho Trung Quốc. Một tuần sau, Nvidia nói lệnh cấm "có hiệu lực ngay lập tức" với hãng do các cơ quan quản lý của Mỹ đẩy nhanh tiến độ áp dụng hơn so với ban đầu.

Nvidia hiện chiếm 90% thị phần chip AI tại Trung Quốc. Thực tế, một số chip của AMD và Intel cũng được các công ty Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, chip từ Nvidia được đánh giá cao hơn nhờ khả năng xử lý các luồng tính toán song song với khối dữ liệu khổng lồ. So với CPU có số lõi xử lý hạn chế của Intel và AMD, GPU của Nvidia sử dụng hàng nghìn lõi, khiến chúng trở nên lý tưởng cho mô hình học máy và học sâu.

Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu tạo cơ hội cho các đối thủ như Huawei giành được các đơn đặt hàng mà lẽ ra đã thuộc về Nvidia.

Bài liên quan
Baidu đặt mua 1.600 chip AI Ascend 910B từ Huawei để thay cho A100 của Nvidia
Hai nguồn tin của Reuters cho biết Baidu đã đặt mua chip trí tuệ nhân tạo (AI) từ Huawei trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực của Mỹ đang khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chấp nhận các sản phẩm của Huawei như giải pháp thay thế cho Nvidia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà quản lý EU, Trung Quốc, Pháp tìm kiếm thông tin về GPU của Nvidia