Giới chức Hungary và Slovakia hôm 3.5 tiết lộ hai nước này có thể được Liên minh châu Âu (EU) miễn trừ khỏi lệnh cấm vận dầu của Nga.

EU định cho phép Hungary và Slovakia mua dầu mỏ Nga

Hoàng Vũ | 03/05/2022, 11:19

Giới chức Hungary và Slovakia hôm 3.5 tiết lộ hai nước này có thể được Liên minh châu Âu (EU) miễn trừ khỏi lệnh cấm vận dầu của Nga.

Theo Reuters, các nước thành viên của EU sẽ nhận được đề xuất về gói trừng phạt Nga thứ 6 vào ngày 3.5 và bắt đầu thảo luận vào ngày 4.5. Thông tin chính thức về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine có thể được đưa ra trong tuần này. Gói trừng phạt mới dự kiến nhắm tới dầu mỏ Nga, các ngân hàng Nga và Belarus cũng như nhiều cá nhân và công ty Nga hơn.

Slovakia và Hungary - hai quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nguồn dầu nhập khẩu từ Nga, đã nhiều lần nhấn mạnh họ sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt liên quan đến năng lượng nhằm vào Moscow. Cả Slovakia và Hungary đều nằm trên tuyến đường phía nam của đường ống Druzhba dẫn dầu của Nga đến châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Slovakia và Hungary nhập khẩu lần lượt 96% và 58% lượng dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga hồi năm ngoái,

Do đó, để nhanh chóng đạt được đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6, Ủy ban châu Âu có thể miễn trừ Slovakia và Hungary hoặc cho phép hai nước này có “thời gian chuyển tiếp dài” đối với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Theo giới chức Slovakia và Hungary, lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga có thể được thực hiện theo từng giai đoạn và nhiều khả năng sẽ được triển khai hoàn toàn từ đầu năm sau.

Trước đây, khoảng một nửa sản phẩm dầu mỏ của Nga được xuất khẩu sang châu Âu và mang lại cho Moscow khoản thu khổng lồ. Nhiều nước châu Âu cho rằng cần cắt giảm nguồn thu này để hạn chế nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Đáng chú ý, nhà nhập khẩu năng lượng lớn của của Nga ở châu Âu là Đức cũng đã tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ, dù ban đầu Berlin từ chối ký vào lệnh này vì lo ngại các thiệt hại kinh tế. Bộ Kinh tế Đức hôm 2.5 cho biết nước này đã giảm số dầu thô nhập khẩu của Nga từ 35% vào năm 2021 xuống còn 12% trong năm nay. Berlin đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp mới nhằm thay thế cho lượng dầu đến từ nhà máy lọc dầu ở Schwedt do công ty nhà nước Nga Rosneft điều hành.

"Đức không chống lại lệnh cấm dầu Nga dù đó là một gánh nặng phải đối mặt nhưng chúng tôi sẽ sẵn sàng thực hiện", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các phóng viên hôm 2.5 và cho biết thêm Berlin sẽ ủng hộ lệnh cấm của EU, bất kể nó diễn ra ngay lập tức hay vào cuối năm.

Bên cạnh đó, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Moscow, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang tìm cách tăng cường hợp tác với các nước châu Phi để giúp thay thế nguồn khí đốt của Nga.

Theo Bloomberg, Ủy ban châu Âu (EC) dự định thông qua kế hoạch mở rộng nguồn năng lượng ở các quốc gia ở châu Phi như Nigeria, Senegal và Angola có tiềm năng lớn về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vốn chưa được khai thác.

Để thực hiện kế hoạch nhập khẩu thêm nhiều LNG và đa dạng nguồn cung năng lượng, EU đặt mục tiêu tăng cường quan hệ với các nhà cung cấp năng lượng truyền thống và mở rộng giao dịch với các nhà cung cấp mới. Cụ thể, khối đang nỗ lực lập ra một biên bản ghi nhớ ba bên với Ai Cập và Israel nhằm tăng nguồn LNG cung cấp cho châu Âu vào mùa hè năm nay. Liên minh châu Âu cũng dự định tăng gấp đôi công suất của Hành lang khí đốt phía nam (SGC).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU định cho phép Hungary và Slovakia mua dầu mỏ Nga