Hiệp ước Schengen - quy định miễn thị thực đi lại cho 22 quốc gia thành viên châu Âu - đã gần như chính thức bị đình chỉ, các nước EU sẽ tái lập biên giới lại trong bối cảnh diễn ra gia tăng lo ngại về các cuộc tấn công khủng bố tương tự tại Paris.
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét tạm ngưng thực thi hiệp ước Schengen trong hai năm để tiến hành các kế hoạch khẩn cấp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra tại châu lục này.
Ngày 4.12 tại Brussels, Bỉ, các bộ trưởng Nội vụ EU đã đồng ý về những thay đổi triệt để cho phép các quốc gia trong liên minh giành lại quyền kiểm soát biên giới trong 2 năm thay vì 6 tháng tạm thời như hiện nay.
Kế hoạch cho việc các quốc gia châu Âu tái lập biên giới quốc gia tạm thời trong hai năm đã được xây dựng bởi Luxembourg, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Luxembourg ông Jean Asselborn cho biết: "Các bộ trưởng nhất trí rằng nếu có những thiếu sót nghiêm trọng gây nguy hiểm cho khu vực, chúng ta cần phải có một khuôn khổ chung cho châu Âu nhằm đối phó với vấn đề biên giới trên 6 tháng".
Tuy nhiên, phải đợi tới hội nghị thượng đỉnh của tất cả các lãnh đạo EU cuối tháng này sẽ quyết định cuối cùng về tương lai khu vực Schengen và có thể đề xuất về việc tạo ra một khu vực Schengen thu nhỏ.
Việc xem xét hoãn hiệp ước Schengen tại một số nước EU diễn ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về các cuộc tấn công tương tự tại Paris hồi tháng 11.
Hiệp ước Schengen quy định miễn thị thực đi lại cho 22 quốc gia thành viên liên minh châu Âu và 4 quốc gia ngoài EU đang bị đe dọa bởi sự thất bại trong việc quản lý số lượng lớn những người di cư vượt qua biên giới của chính phủ Hi Lạp.
Chỉ riêng năm nay, Hi Lạp hiện đang là cửa ngõ chính để đặt chân vào EU của khoảng 700.000 người di cư và tị nạn. Ít nhất 2 trong số các phần tử khủng bố liên quan đến vụ tấn công Paris đã thâm nhập vào EU qua ngõ đảo Leros của Hi Lạp dưới hình thức người tị nạn.
Thiên Hà (theo Financial Times)