Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết “Đối với những người tự xét nghiệm dương tính, tự điều trị tại nhà mà không báo cáo với y tế địa phương, sẽ rất khó để được xác nhận đã khỏi bệnh và làm thẻ xanh vì không có cơ sở”.
Thông tin trên được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn chiều 12.9.
Trả lời về việc cấp chứng nhận khỏi bệnh cho F0 cách ly tại nhà, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, UBND TPHCM vừa ban hành văn bản về việc giám sát F0 tuân thủ cách ly tại nhà. Nhiều trường hợp, địa phương không quản lý F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã hoàn thành cách ly nhưng không nhận được chứng nhận. Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý phải tổ chức giám sát chặt chẽ, tuân thủ cách ly y tế với các F0 này.
"Theo quy định, người test nhanh dương tính cần phải báo cáo ngay với y tế địa phương để được quản lý và điều trị. Hiện TP.HCM có 60.000 F0 cách ly tại nhà, 27.000 trường hợp cách ly tại các cơ sở tập trung. Đối với những người tự xét nghiệm dương tính, tự điều trị tại nhà mà không báo cáo với y tế địa phương, sẽ rất khó để được xác nhận đã khỏi bệnh và làm thẻ xanh vì không có cơ sở", TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Đề cập đến mức độ bảo vệ của người đã tiêm vắc xin, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, sau khi tiêm một mũi vắc xin, cơ thể có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. Nhưng tiêm 2 mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn. Về mặt khoa học, tất cả vắc xin đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định và không bao giờ đạt 100%. Tỷ lệ bảo vệ nhiễm bệnh dao động khoảng 70-80%, như vậy vẫn có 20% trường hợp bị nhiễm sau khi tiêm.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, riêng với biến thể Delta, có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch, tức hệ miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được biến thể này. Do đó, chủng Delta làm nhiều người tiêm vẫn nhiễm bệnh. Thống kê trên thế giới cho thấy, người đã tiêm 2 mũi vắc xin thì khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không nhiễm nặng, với tỷ lệ khoảng 90%.
“Với 90% trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc xin thì thường bệnh nhẹ, không cần thở oxy, hồi sức tích cực, nhưng vẫn có 10% bệnh nặng và tử vong. Không phải trường hợp nào cũng có đủ kháng thể để bảo vệ được cơ thể”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Liên quan đến thông tin các cơ sở y tế thiếu máu, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, TP.HCM đã duy trì 3.000 túi máu liên tục một tháng qua trong ngân hàng máu. Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM vừa tiếp nhận thêm 1.000 túi từ Viện Truyền máu Huyết học Trung ương ngày 1.9 vừa qua. Đây là lần thứ 2 TP.HCM phải nhận chi viện máu từ Viện Truyền máu Huyết học Trung ương.
Về việc xét nghiệm kháng thể cho người từng mắc COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá, đây là một vấn đề phức tạp và cảnh báo người dân tự thực hiện bằng các test tự mua trên thị trường có thể không có hiệu quả. Đến nay, Sở Y tế và Bộ Y tế vẫn chưa hướng dẫn thực hiện xét nghiệm kháng thể để đánh giá khả năng miễn dịch.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện có 2.475 người thuộc diện F1 đang được cách ly tập trung. Bao gồm các nhóm đối tượng: tiếp xúc gần với F0, người nhập cảnh (chuyên gia nước ngoài) và các tổ bay quốc tế.
"Hiện F1 và F0 đều được thực hiện cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện, dựa vào tình trạng diễn tiến bệnh và điều kiện gia đình. Nếu không đảm bảo, sẽ được đưa đi cách ly tập trung", bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh và cho biết, qua các đợt test nhanh các vùng nguy cơ cao và rất cao, tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt.
Trong dự thảo Kế hoạch phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP. HCM sau ngày 15.9, ngoài người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, trường hợp được cấp thẻ xanh Covid còn là người nhiễm COVID-19 khỏi bệnh; người nhiễm COVID-19, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh. Thẻ xanh có giá trị trong 6 tháng.